Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia phương tiện giao thông đường bộ - ô tô, phân loại theo mục đích sử dụng”, trong đó, đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật riêng đối với xe chở học sinh.
Tại dự thảo, Bộ GTVT quy định rõ: Ô tô chở người là ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo, hoặc cũng có thể kéo theo một rơ-moóc.
Ô tô chở người bao gồm: ô tô chở người từ 9 người trở xuống kể cả người lái (trong đó có: ô tô con, ô tô con pickup, ô tô con đào tạo lái xe); ô tô chở từ 10 người trở lên kể cả người lái; ô tô khách giường nằm (chở từ 10 người trở lên kể cả người lái, chỉ trang bị giường nằm để chuyên chở hành khách, không kể ghế của người lái và 1 ghế của hướng dẫn viên nếu có).
Đáng chú ý, dự thảo quy định ô tô chở học sinh là xe chở người chuyên dùng được thiết kế chỉ để đưa, đón học sinh. Xe phải được sơn màu vàng đậm và phải có dòng chữ "ô tô chở học sinh" mặt trước và mặt sau xe.
Ngoài ghế của học sinh và ghế của người lái, trên xe phải có tối thiểu 1 chỗ ngồi dành cho người quản lý học sinh (là người trưởng thành).
Tổng số người cho phép chở kể cả người lái không vượt quá 45 người. Trường hợp xe được thiết kế chỉ dành cho học sinh tiểu học, mẫu giáo thì số người cho phép chở kể cả người lái không vượt quá 56 người.
Xe chở học sinh phải được trang bị bộ sơ cứu phù hợp để sơ cấp cứu trẻ em; Thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách; Đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống; Thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển.
Trao đổi với VietNamNet về dự thảo quy định trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, một số quy định trong dự thảo có thể phù hợp với xe đưa đón học sinh ở khu vực đô thị nhưng không phù hợp ở nông thôn, khu vực miền núi.
“Hiện nay khu vực nông thôn, miền núi điều kiện giao thông chưa cần thiết phải trang bị đồng loạt như các điều kiện tiêu chuẩn ở đô thị.
Ví dụ dự thảo quy định xe chở học sinh phải có đèn chớp màu vàng, có đèn cảnh báo khi mở cửa xe thì ở những vùng nông thôn miền núi do mật độ phương tiện chưa cao nên những thiết bị này cũng cần được nghiên cứu thêm. Bởi điều kiện kinh tế xã hội, khả năng chi trả cho dịch vụ này của người dân không cao như ở thành phố. Do đó, cơ quan soạn thảo phải tính đến yếu tố này, tránh xảy ra tình trạng chi phí cho việc đưa đón học sinh tăng lên”, ông Quyền chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị cơ quan soạn thảo nên phân thành 2 nhóm: Nhóm áp dụng đối với xe chở học sinh trong đô thị có tiêu chuẩn cao hơn (sơn màu, đèn chớp màu vàng, ghế ngồi…) và nhóm xe cho vùng nông thôn, miền núi thì tiêu chuẩn có thể thấp hơn.
Ông Quyền đồng tình với việc xe đưa đón học sinh đến bậc THCS (từ lớp 9 trở xuống) cần có ghế và các trang bị trên xe đầy đủ như trong dự thảo. Tuy nhiên với nhóm học sinh bậc THPT (từ lớp 10 trở lên), ông Quyền băn khoăn với yêu cầu ghế ngồi cũng phải thiết kế riêng như trong dự thảo có cần thiết hay không?
“Hiện nay chở học sinh có hai loại hình: đưa đón học sinh hàng ngày và loại hình đi lại không thường xuyên - khi nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thể dục thể thao...
Nếu bắt tất cả xe chở học sinh phải đúng các tiêu chí như đã quy định trong dự thảo thì sẽ có một lượng xe thiết kế chỉ để chờ hợp đồng chở học sinh đi dã ngoại. Xét bài toán lợi nhuận trong kinh doanh, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không đầu tư loại xe này. Như vậy, khi nhà trường có nhu cầu lại không tìm được.
Do đó, cơ quan soạn thảo nên xem xét quy định chỉ nên áp dụng đối với các xe đưa đón thường xuyên hàng ngày”, ông Quyền kiến nghị.