XEM CLIP:

Trong chuyến công tác tặng quà Tết cho trẻ em nghèo, chúng tôi có dịp ngược rừng vào với xã Tam Hợp, một xã vùng sâu của huyện biên giới Tương Dương (tỉnh Nghệ An). 

Tam Hợp nằm sát biên giới Việt - Lào. Xã nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh đặc trưng của Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên và dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Bà con ở đây sống bằng cách bám rừng.

Đón tiếp đoàn tại trường mầm non xã, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất ngỏ lời mời đoàn chúng tôi tham gia đánh bắt giống cá đặc sản nức tiếng nơi đây, chung vui cùng bà con dân bản.

Sản vật quý hiếm

Con suối Chà Lạt bắt nguồn từ bên kia biên giới kéo dài hàng chục km và hợp lưu với con suối Cặt ngay phía trước trụ sở UBND xã Tam Hợp, cung cấp nguồn lợi cá lớn. Tuy nhiên, do tình trạng đánh bắt quá mức, cùng với việc sử dụng kích điện khiến đàn cá mát cạn kiệt.

Suối cá mát sống trong tự nhiên.
Người dân được phép bắt cá trong những dịp quan trọng do làng và xã tổ chức.
Mọi người ngụp lặn bắt cá bằng tay không rồi đưa lên bờ.

Chị Mậu, người dân bản Xốp Nặm (xã Tam Hợp) cho biết, tập tính cá mát thường kiếm ăn vào ban đêm. Chúng thường ăn các loại côn trùng trên mặt nước, rong rêu bám trên đá.

“Mấy năm trước, đêm nào cũng có từng tốp người với đủ loại dụng cụ đánh bắt ‘ghé thăm’ các con suối. Không chỉ người dân trong xã, những tay sát cá ở xã khác cũng kéo đến.

Cá mát sống thành từng đàn ở các khe, hốc đá nơi nước chảy xiết, nền sỏi đá sạch nên thịt thơm ngon. Bà con chế biến được nhiều món ăn từ loài cá này như cá nướng ống tre, lạp cá, gỏi cá. Giá cá cũng khá đắt đỏ, 350.000-550.000 đồng/kg”, chị Mậu cho hay.

Chính vì nhu cầu lớn, giá đắt đỏ, cá mát đã bị đánh bắt một cách tận diệt. Sách đỏ Việt Nam năm 2007 thậm chí đã liệt loài cá này ở mức sẽ nguy cấp, cần được bảo tồn ngay. Cá mát cũng là một trong 6 loài thuỷ sản cần được bảo tồn, phát triển theo Quyết định số 5529/QĐ-UBND năm 2013.

Bản hương ước giữa đại ngàn

Đứng trước tình trạng cá mát đang dần cạn kiệt, năm 2018, chính quyền xã Tam Hợp sau nhiều cuộc họp đã quyết định bảo vệ đàn cá bằng một bản "hương ước" đặc biệt.

“Sau khi xây dựng đề án, chúng tôi đưa xuống từng bản họp dân và người dân rất hưởng ứng. Sau đó chúng tôi yêu cầu người dân ký cam kết tuân thủ theo hương ước bảo vệ đàn cá”, Chủ tịch UBND xã Lương Phi Thanh nhớ lại.

Người dân dùng chài và người dùng tay không bắt cá tại khe suối tự nhiên.
Mặc dù được cho phép bắt cá ở khu vực cấm này, nhưng người dân Xốp Nặm cũng chỉ bắt những con cá to.

Theo đó, xã Tam Hợp liệt kê 5 khu vực khe, suối có cá mát thường xuyên sinh sống (mỗi khu vực kéo dài từ 800-1.000m) để cấm đánh bắt dưới mọi hình thức. Tại các đoạn suối này, các biển cấm đánh bắt được cắm dày đặc. Đồng thời, xã cũng cho lắp thêm nhiều camera giám sát.

“Đối với các đoạn khe, suối còn lại, người dân trong xã được phép đánh bắt, nhưng việc đánh bắt tận diệt như dùng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương pháp có tính hủy diệt khác làm chết hàng loạt loài thủy sản như dùng lá cây cơi đều bị cấm. Ngoài ra, người ngoài vào địa bàn đánh bắt thủy sản trong xã Tam Hợp dưới bất cứ hình thức nào đều được kiểm soát, thậm chí bị trục xuất”, ông Thanh tâm sự.

Nhờ việc bảo vệ có hiệu quả giữa chính quyền địa phương và bà con dân bản, dường như cá từ các khu vực cấm bơi ra những vùng được phép khai thác ngày một nhiều hơn, song người dân cũng chỉ đánh bắt những con cá to bằng những "phương pháp thủ công" chứ không còn theo kiểu "tận diệt"!

Chỉ trong năm 2022, xã Tam Hợp tổ chức 4 lần bắt cá, mỗi lần như thế, sản lượng lên đến trên 100kg.

“Mô hình ‘Nhân dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản’ tại xã Tam Hợp vừa tái tạo nguồn lợi thủy sản, các loại cá quý hiếm như cá mát, cá chạch, cá lấu,... vừa xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường. Mô hình này đang được nhân rộng ra các địa phương trên toàn huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Lô Thanh Nhất cho hay.

Cá mát chiếm ưu thế ở dòng suối được bảo vệ.
Cá mát nướng ăn kèm với rau rừng có mùi vị thơm, béo và đắng dễ chịu.