Tập đoàn lớn của Việt Nam do nữ doanh nhân nổi tiếng ở Hà Nội đứng đầu đang gây chú ý với kế hoạch M&A ngàn tỷ tiếp tục là mối quan tâm lớn khi có kế hoạch phát triển chuỗi đô thị thông minh hàng chục tỷ USD với các nước ngoài.
Dòng vốn ngoại đang chảy vào Việt Nam ở rất nhiều kênh, từ đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán (TTCK) FII, dòng tiền kiều hối,... Nó cho thấy sức hấp dẫn của nền kinh tế và hứa hẹn TTCK sẽ tiếp tục khởi sắc và phá đỉnh cũ ngay trong tháng 3 này.
Theo tờ Nikkei Asian Review, Tập đoàn Sumitomo cùng với một số ông lớn khác như Mitsubishi, Toyota của Nhật cùng với đối tác Việt Nam là một tập đoàn lớn về tài chính - BĐS và thương mại sẽ xây dựng một thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội với tổng giá trị lên tới hơn 37 tỷ USD ngay trong năm nay.
Dự án sẽ được khởi công trong tháng 8 này và hoàn thành vào năm 2023, với sự tham gia của tổng cộng hơn 20 doanh nghiệp. Dự án có tổng diện tích hơn 2.000ha, trải dài hơn 11km.
Nguồn vốn do các doanh nghiệp huy động, bên cạnh đó là vốn ODA từ Nhật Bản và hỗ trợ của chính phủ Nhật. Đây là một phần trong kế hoạch triển khai chính sách của Chính phủ Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe về việc thúc đẩy "đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao" ở các nước đang phát triển.
Trước đó, một văn bản ký kết giữa đối tác Việt Nam và Sumitomo đã thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài trong trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là dự án đô thị lớn và hiện đại nhất và Việt Nam sẽ hút một dòng tiền khổng lồ nữa giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong vài năm gần đây, dòng vốn nước ngoài dồn dập đổ vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực trong đó có công nghiệp như Samsung với nhiều tỷ USD. Dòng tiền đổ vào bất động sản cũng rất nhiều với các dự án như Gamuda, Park City,... Dòng vốn ngoại đổ vào TTCK cũng rất lớn lên tới hàng tỷ USD trên sàn, và nhiều tỷ USD trong các vụ thoái vốn Nhà nước như trường hợp gần 5 tỷ USD tại Sabeco,...
Không chỉ bất động sản, hàng loạt lĩnh vực khác cũng đang hút dòng vốn ngoại như bán lẻ (MWG, PNJ), hàng không (VJC), ngân hàng (VCB, VPB),...
Nhật Tân - Nội Bài 'xương sống của chuỗi đô thị thông minh mới. |
Nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây bứt phá rất mạnh và là một động lực quan trọng kéo chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.120 điểm, chỉ còn cách đỉnh lịch sử 1.170 điểm một khoảng cách rất nhỏ.
Với những thông tin vĩ mô khá tích cực và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, rất có thể chứng khoán Việt Nam sẽ chinh phục đỉnh lịch sử 11 năm bất thành ngay trong tháng 3 này, thời điểm mà hàng loạt các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị đại hội cổ đông cho một năm mới với nhiều kết quả ấn tượng hơn.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 3/1, VN-index tăng 1,93 điểm lên 1.121,54 điểm; HNX-Index tăng 0,76 điểm lên 128,05 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 60,09 điểm. Thanh khoản đạt 320 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 9 ngàn tỷ đồng, cao hơn với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
V. Hà