Sáng nay (23/11), tại phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kết quả giám sát cho thấy, nhiều luật chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hơn 2 năm, có những luật 3 - 4 năm sau thời điểm có hiệu lực vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Bên cạnh đó, quá trình giám sát của các cơ quan Quốc hội cũng cho thấy, có nhiều văn bản có nội dung trái luật, chưa bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị các cơ quan liên quan cần phải họp với nhau để “có tiếng nói chung” và làm kỹ hơn về số liệu các văn bản còn chậm ban hành.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nội dung giám sát này phải làm thường xuyên, liên tục. Quá trình làm phải trao đổi với đối tượng giám sát, làm rõ đúng sai, xử lý hậu giám sát, giám sát lại.
“Giám sát phải tạo chuyển biến tích cực trong kỷ luật, kỷ cương xây dựng văn bản pháp luật và tổ chức thực hiện”, ông Định nói.
Ông đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan rà soát số liệu, hoàn thiện báo cáo để trong tháng 11 công khai kết quả giám sát.
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, báo cáo giám sát phần nào đáp ứng được yêu cầu.
“Không giám sát thì thôi, đã giám sát thì phải cụ thể, không nói chung chung”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông Vương Đình Huệ, giám sát văn bản quy phạm pháp luật là chức năng thường xuyên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Vì vậy, cần rà soát, ban hành quy chế hoạt động, từ đó cụ thể hóa trách nhiệm, phân công cán bộ làm đầu mối để tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Ông đặc biệt nhấn mạnh tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết bây giờ “đã đỡ rồi nhưng vẫn còn chậm”.
Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng, tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, người dân đề cập đến Pháp lệnh người có công, dù đã ban hành nghị định hướng dẫn mức hưởng nhưng văn bản quy định thủ tục, trình tự thì chưa có.
Vì vậy, sau khi thống nhất lại số liệu, hoàn thiện báo cáo thì công khai.
“Chúng ta không để tình trạng thế này được”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị, bổ sung nội dung kiến nghị Chính phủ trong việc chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Hôm trước họp cán bộ chủ chốt các đồng chí nói, sai phạm bên ngoài giá trị tiền rất nhỏ thì phạt. Bây giờ cơ quan nhà nước, tổ chức, cán bộ, đảng viên làm sai, ban hành văn bản trái luật, lại không chịu trách nhiệm gì thì làm sao được? Luật có rồi mà để hàng năm không ban hành văn bản quy định chi tiết thì trách nhiệm thế nào? Chẳng lẽ không chịu trách nhiệm gì?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường trách nhiệm, không nể nang.
Theo ông, nếu nói chung chung thì không có tác dụng, mà không có tác dụng thì tốt nhất không nên làm, tốn kém tiền ngân sách.
“Đã làm thì làm đến nơi đến chốn, cho đàng hoàng”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông lưu ý thêm, giám sát văn bản quy phạm pháp luật không chỉ nâng cao chất lượng giám sát nói chung mà còn nâng cao chất lượng công tác lập pháp.
Hương Quỳnh
Chủ tịch Quốc hội: Chỉ rõ trách nhiệm nơi ban hành văn bản trái luật
Với những văn bản ban hành trái quy định pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu nêu rõ trách nhiệm ở đâu, của ai, chỉ ra địa chỉ rõ ràng.