Phát biểu tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2016 với chủ đề “Hạ tầng hiện đại, dịch vụ công thông minh, tăng cường minh bạch và gắn kết công dân” diễn ra tại Hà Nội hôm nay, ngày  30/3, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký  Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT đã nhấn mạnh, chúng ta đã ứng dụng CNTT rất nhiều và rất mạnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để gọi là Chính phủ điện tử thì chúng ta chưa có, chưa có liên thông, chưa kết nối được, còn rất rời rạc.

Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành vào tháng 10/2015 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tại Nghị quyết 36a, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai các giải pháp nêu tại Nghị quyết.

Ông Lê Mạnh Hà cho hay, từ sau khi Nghị quyết 36a được ban hành, Văn phòng Chính phủ đã triển khai nhiều nội dung công việc làm nền tảng ban đầu cho Chính phủ điện tử.

Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ 3 nhiệm vụ quan trọng Văn phòng Chính phủ đang tập trung triển khai, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải liên thông toàn bộ hệ thống văn bản điện tử trong cả nước từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh cho đến Trung ương.

Việc chính thứ hai, theo ông Lê Mạnh Hà, là phải làm sao phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách nhanh nhất và dễ dàng nhất, nghĩa là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Nhìn chung đến nay các bộ, ngành và các tỉnh, thành đã có rất nhiều dịch vụ công trực tuyến. Nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ là phải tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên một Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân có thể tra cứu thông tin, thực hiện các dịch vụ công cung cấp qua một Cổng duy nhất của Chính phủ này”, ông Hà nói.

Nhiệm vụ thứ ba được ông Lê Mạnh Hà đánh giá đặc biệt quan trọng, không có nó thì không thực hiện được hai nhiệm vụ trên, đó là phải có tiền, có cơ chế tài chính, đầu tư để phục vụ cho việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT. “Việc xây dựng cơ chế này hết sức khó khăn”, ông Hà chia sẻ.

Trong báo cáo Quý I/2016 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ cho biết, về kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 24/3/2016, đã có 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ. 5 bộ, cơ quan ngang bộ chưa hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ gồm có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã chính thức liên thông (gửi/nhận) văn bản điện tử với UBND TP.HCM. Hệ thống hiện đã cho phép tự động nhận biết được trạng thái xỷ lý văn bản giữa 2 cơ quan. Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ mở rộng liên thông văn bản điện tử tới các bộ, ngành, địa phương; dự kiến sẽ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất thông suốt từ Trung ương đến địa phương trước ngày 1/6/2016.

Với nhiệm vụ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, bên cạnh việc dự kiến sẽ ban hành Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 được ưu tiên cung cấp trong năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 4/2016, Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Nai và TP.HCM thử nghiệm tích hợp dịch vụ công trực tuyến ở cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, lập phương án xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc giađể đưa vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 6/2016 và hoạt động chính thức từ tháng 9 năm nay.

Đáng chú ý, đối với giải pháp bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đầu tư trong lĩnh vực CNTT, báo cáo Quý I/2016 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Bộ Tài chính đang xây dựng văn bản hướng dẫn việc ghi loại chi CNTT trong hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước để thực hiện từ năm 2017.

Văn phòng Chính phủ cũng cho hay, đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết tháo gỡ một số vướng mắc về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng trong lĩnh vực CNTT. Văn phòng Chính phủ đang gửi xin ý kiến ác thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị quyết này, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 4/2016.

Văn phòng Chính phủ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp để rà soát hiện trạng, phát hiện bất cập, đề xuất giải pháp khắc phục và thời gian tới sẽ có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ chế thí điểm đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT phù hợp với đặc thù của CNTT.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT đã phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm CNTT phục vụ Chính phủ điện tử. Theo đó, Chương trình sẽ được triển khai theo chỉ đạo tại Nghị quyết 36a và theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đối với việc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia. Hiện tại, Bộ KH&CN đang xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan để thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình và thực hiện các bước kế tiếp theo quy định.

Đồng thời, Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT cũng đang rà soát việc phân bổ, sử dụng ngân sách khoa học công nghệ tại địa phương, xem xét việc hướng dẫn sử dụng ngân sách chi cho khoa học và công nghệ cho công tác ứng dụng CNTT và một số nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử để làm cơ sở cho đề xuất thực hiện nhiệm vụ này.

Ngoài ra, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, với việc sử dụng Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam cho một số nhiệm vụ ứng dụng CNTT, hiện Bộ TT&TT đã hoàn thiện Thông tư hướng dẫn sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, trong đó có mục chi cho ứng dụng CNTT.