Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai.

Theo Quyết định 846/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành ngày 9/6, trong danh mục 707 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017, có 354 thủ tục hành chính được các bộ, ngành thực hiện và 353 thủ tục hành chính do địa phương triển khai.

Cụ thể, trong 353 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 để các địa phương thực hiện trong năm nay, đa số là các thủ tục hành chính cấp tỉnh, chiếm tới hơn 89% tổng số thủ tục hành chính do cấp tỉnh thực hiện; 35 thủ tục do cấp huyện thực hiện; và 2 thủ tục được triển khai trực tuyến mức 3, 4 ở cấp xã là Cấp bản sao trích lục hộ t ịch và Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Đối với 354 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 tại bộ, ngành trong năm 2017, Bộ Quốc phòng thực hiện 6 thủ tục; Bộ Công an thực hiện 7 thủ tục, Bộ Ngoại giao thực hiện 21 thủ tục, Bộ Tư pháp thực hiện 14 thủ tục, Bộ Tài chính thực hiện 28 thủ tục, Bộ Công Thương thực hiện 12 thủ tục, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội thực hiện 12 thủ tục…

Riêng với Bộ TT&TT, theo danh mục mới được ban hành, có 7 thủ tục hành chính được triển khai cung cấp trực tuyến mức 3 và 4 trong năm nay, bao gồm: Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; Cấp lại giấy phép bưu chính khi hết hạn; Cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính; Thông báo sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam; Đăng ký sử dụng tên miền không dấu “.VN”; Đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt; và Cấp phép nhập khẩu sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấp nhập khẩu để nghiên cứu khoa học

Trước đó, trong năm 2016, thông tin từ Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho hay, Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương  đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý ban hành. Theo Danh mục này, có 20 bộ, ngành được giao thực hiện 83 dịch vụ công trực tuyến; các địa phương được giao thực hiện 44 dịch vụ công trực tuyến.

VPCP cũng lưu ý, trong quá trình đăng ký Danh mục, các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất về cách thức xác định thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, VPCP đã gửi các bộ, ngành, địa phương để thống nhất Danh mục này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hà Nội, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, cho hay, trong năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 40% trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công của toàn thành phố.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, năm 2017 đã được Thành phố chọn là năm đột phá về CNTT. Sở TT&TT cũng đã xác định một nhiệm vụ trong tâm trong năm nay là tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tiếp tục triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3 và 4) cho người dân, doanh nghiệp trên toàn thành phố.

Để tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cấp Sở, cấp quận/huyện/thị xã và cấp xã/phường/thị trấn trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến dùng chung của Thành phố, đồng thời thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Hà Nội, ngày 12/1/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch 09 về triển khai vận hành chính thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã hoàn thành xây dựng.