Hôm 23/8, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu trực tiếp làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu.
Tham dự buổi làm việc có bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư tỉnh uỷ Lai Châu, ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu.
Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và là “phên dậu” của tổ quốc trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là tỉnh có nhiều lợi thế về để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ điện và khoáng sản (đặc biệt là đất hiếm).
7 tháng đầu năm, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhứng kết quả khả quan.
với vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và là “phên dậu” của Tổ quốc trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, tỉnh Lai Châu cũng có nhiều tiềm năng như: Diện tích tự nhiên và mật độ sông suối lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trữ lượng khoáng sản dồi dào, có cửa khẩu Ma Lù Thàng cùng Khu kinh tế cửa khẩu và nhiều lối mở tiểu ngạch…
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lai Châu đã tập trung cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh để triển khai thực hiện.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, trung bình trong 3 năm (từ 2021-2023) đạt khoảng 3,91%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt khoảng 47,5 triệu đồng, tăng 4,12 triệu đồng so với năm 2020. Trong đó các sản phẩm chủ lực chính của tỉnh là: Về nông nghiệp: Cao su, chè, mắc ca, lúa chất lượng cao, quế, dược liệu..; Công nghiệp: Thủy điện, điện gió, khoáng sản kim loại... Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 3 năm (2021-2023) ước đạt 6.425,9 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo thực hiện, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình đạt 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm 4,7%/năm. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 đạt 86,29 điểm, xếp vị trí thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 79,34%, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 hạng so với năm 2021; chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc. An ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh được phê duyệt quy hoạch 160 dự án thủy điện với quy mô tổng công suất 4.271,35MW, điện lượng trung bình năm là 15.549 triệu kWh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 86 vị trí có tiềm năng đầu tư các dự án nguồn điện với tổng công suất khoảng 4.094,5MW… và nhiều các tiềm năng về khoáng sản khác.
Nêu rõ một số khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Công thương trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương một số nội dung quan trọng:
Xem xét sớm ban hành Văn bản hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cung cấp hồ sơ Quy hoạch điện VIII để UBND tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện; Kiến nghị với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm bố trí vốn cho dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Lai Châu để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 100% các thôn bản và trên 97% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia;
Tỉnh cũng kiến nghị xem xét ủy quyền cho Sở Công Thương tỉnh Lai Châu thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Lai Châu sang thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng/Việt Nam - Kim Thủy Hà/Trung Quốc; xem xét điều chỉnh giá mua điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư…
Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Lai Châu cũng kiến nghị Bộ đưa ra các định hướng để giúp tỉnh phát huy được các tiềm năng đó như: Đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, kêu gọi vốn đầu tư trong khai thác khoáng sản, thu hút doanh nghiệp chế biến sâu, xác định các sản phẩm nông sản thế mạnh, chất lượng cao, sản phẩm có tiềm năng, định hướng chiến lược cho tỉnh trong những năm tiếp theo...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Lai Châu có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như công nghiệp và thương mại nói riêng như phát triển công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, thủy điện nhỏ, công nghiệp chế biến nông sản đặc hữu (mắc-ca, cao su, quế, chè); công nghiệp chế biến gỗ…
Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, UBND tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền vận động sâu rộng và triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tập trung hoàn thiện, thẩm định quy hoạch tỉnh Lai Châu để sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các dự án đầu tư (nhất là các dự án trọng điểm). Trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, cần rà soát đảm bảo tính thống nhất ở mức cao nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 14/38 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt, trong đó có 4 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng; đồng thời chủ động đề xuất những phương án, định hướng của Tỉnh trong Quy hoạch Vùng trung du miền núi Bắc Bộ; các quy hoạch hoạch ngành quốc gia hiện đang trong quá trình lập.
Cùng với việc hoàn thiện quy hoạch tỉnh, cần chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất và các cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có) của địa phương để sẵn sàng triển khai các dự án đầu tư thời gian tới, nhất là dự án lớn.
Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công tạo động lực, dẫn dắt đầu tư tư, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư – sử dụng công. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin để triển khai các thủ tục hành chính ở cấp độ 3, cấp độ 4. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu, ban hành, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư vào khu vực khó khăn, các dự án trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất, khai thác, chế biến gắn với vùng nguyên liệu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Xác định rõ định hướng, quy hoạch và kế hoạch thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ trên địa bàn để phát huy lợi thế các cửa khẩu quốc gia, quốc tế, phát triển kinh tế cửa khẩu và dịch vụ logistics.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, cần phát triển các ngành chủ lực, có thế mạnh như khai khoáng, chế biến nông lâm sản, thủy điện; phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic, củng cố chuỗi liên kết doanh nghiệp nhằm nâng cao tính tự chủ trong cơ cấu giá trị công nghiệp địa phương. Sản phẩm đất hiếm có vai trò đặc biệt trong chuỗi sản xuất công nghiệp giá trị cao toàn cầu. Do vậy, dự án khai thác đất hiếm đầu tiên và duy nhất đến nay tại Đông Pao, Lai Châu cần được quan tâm.
Đối với lĩnh vực năng lượng, cần tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế của UBND tỉnh Lai Châu về phát triển thủy điện. Đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Thủy điện Lai Châu và các dự án của EVN trên địa bàn, đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng nguồn điện và lưới điện, phù hợp với tiến độ đầu tư được phê duyệt. Phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phát triển hệ thống lưới điện phân phối đến các thôn bản chưa có điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, nhất là địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn.
Đối với hoạt động thương mại, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng kết hợp với phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là đã và sẽ ký kết, nhất là các Hiệp định có Trung Quốc tham gia như Hiệp định ASEAN-Trung Quốc, RCEP và khuyến khích xuất khẩu chính ngạch.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ, lao động kỹ thuật bậc cao, tay nghề giỏi. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ công chức đủ tâm và tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò sức mạnh quần chúng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giải quyết việc khó, việc lớn ở địa phương.
Trung Vũ