Những ngày Hà Nội trở lạnh, một trong những món ăn vỉa hè được người dân và nhiều du khách ưa thích, chính là gà tần. Ở Hà Nội có hàng trăm quán gà tần khác nhau, to có, nhỏ có, giá "chát" có mà bình dân cũng có.
Ở quận Tây Hồ, có một quán gà tần trong lon tuy nhỏ, khá đơn sơ nhưng lại luôn tấp nập thực khách. Đó là quán gà tần của vợ chồng anh Trịnh Kế Thanh, chị Phạm Thị Thủy.
Chị Thủy đã có gần 20 năm bán trứng vịt lộn và 12 năm bán mì gà tần. Quán gà tần của anh chị nho nhỏ, nằm một góc trong ngõ 115 An Dương.
Gọi là quán nhưng chỉ có 3 - 4 cái nồi, bếp than, mấy chiếc bàn nhựa cũ kĩ, sờn màu theo thời gian. Ấy vậy mà đến giờ tan tầm, anh Thanh, chị Thủy thoăn thoắt lấy gà, đóng gói, tính tiền… không kịp.
Khách ngồi san sát nhau trên những chiếc bàn nhựa, nóng lòng chờ đợi lon gà tần bốc khói nghi ngút, thơm mùi thuốc bắc như kỳ tử, ý dĩ, hạt sen và đặc biệt là lá ngải. Cả chục khách khác thì vội vàng thúc giục để kịp mua mang về.
Quán gà tần của chị Thủy nằm khép nép ở một góc nhỏ
“Những ngày trời bắt đầu lạnh, khách ăn món gà tần hay mỳ gà tần đông lắm. Có hôm chưa tới 18h tối, mình đã hết hàng, đành xin lỗi khách đến muộn”, chị Thủy vừa làm vừa chia sẻ.
Có cái quán nho nhỏ vậy thôi, mà trước đây, mỗi ngày anh chị bán gần 1000 suất. Mở cửa trở lại sau 3 tháng nghỉ dịch, lượng khách tới quán giảm 20 - 30% do tâm lý e dè và một phần do học sinh, sinh viên chưa đi học trở lại. “Hiện giờ, mỗi ngày mình bán 700 - 800 suất. Có hai vợ chồng làm thôi nên cũng bận tối mắt tối mũi, nhất là giờ tan tầm”, chị Thủy kể.
Trước đây, chị Thủy chỉ bán trứng vịt lộn. Sau này, trong một lần thử tần gà lá ngải cho gia đình đổi bữa, chị được cả nhà khen nức nở. Chị Thủy quyết định thử mở bán gà tần cho khách. Lúc đầu chỉ bán 2kg đùi/ngày rồi lên 5kg/ngày, 10kg/ngày, 20kg/ngày…
Món gà này được làm theo công thức riêng của chị Thủy với nhiều bước khác nhau, rất tốn thời gian
Chị Thủy chọn đùi gà tươi, chắc thịt, không quá già cũng khôn quá non. Đây là đùi gà công nghiệp nhưng đều có giấy kiểm định vệ sinh thực phẩm. Khi mua về, chị rửa sạch với nhiều lần nước để khử mùi hôi.
Gà được ninh với các vị thuốc bắc theo tỉ lệ “bí mật”. Riêng phần lá ngải cứu, chị Thủy tự trồng tại nhà, đủ bán quanh năm. Gà sau khi hầm vừa độ chín, chị Huyền cho gà kèm rau ngải cứu vào các lon bia.
Những chiếc lon này chị Thủy thu mua từ các quán bia với giá 300 đồng/lon, mang về rửa sạch sẽ, phơi khô rồi sử dụng
Hiện, một lon gà tần có giá 20.000 đồng. Khách có thể gọi thêm một gói mì với giá 5000 đồng hay một trứng vịt lộn ngải cứu cũng chỉ 5000 đồng. Mức giá này phù hợp với nhiều thực khách từ học sinh, sinh viên, người lao động…
Quán mở từ 6 giờ sáng tới khoảng 19h30 tối. Thời điểm đông nhất là từ 11 - 13 giò chiều và 17 - 19h tối
Ở đây có không ít thực khách là khách quen lâu năm. Một trong những lí do khiến họ gắn bó với quán chị Thủy bởi món gà tần của chị vừa miệng, có mức giá phải chăng, suốt bao năm không tăng giá.
Tất nhiên, nếu so sánh món đùi gà trong lon ở đây với các quán ăn lâu đời ở phố cổ, có mức giá 50.000 - 70.000/suất thì khá “khập khiễng”.
Phần đùi gà không quá đậm đà, thẫm vị thuốc bắc mà chỉ dừng ở mức “vừa miệng”; thịt mềm, có phần hơi nhũn do là gà công nghiệp. Tuy nhiên, tới đây, dù lúc vắng hay lúc đông, thực khách cũng vui lòng bởi sự thân thiện, niềm nở của vợ chồng chủ quán.
“Đa phần thực khách ở đây là học sinh, sinh viên như mình hay người lao động. Mức giá này phải chăng, hợp túi tiền. Mùa lạnh này, gọi một chiếc đùi gà tần lá ngải, thêm gói mì tôm là có bữa ấm bụng, ngon lành”, Quỳnh Trang (Quảng Bá, Tây Hồ) chia sẻ.
Quang Minh