Hiện nay, cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.

Từ năm 2018, khi được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về ngành nghề, làng nghề truyền thống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung phát triển khu vực này. Đến nay, hơn 800.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nghề sản xuất đã tham gia, trong đó có hơn 13.000 doanh nghiệp, hơn 11.000 hợp tác xã và tổ hợp tác.

Ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD.

W-anh-man-hinh-2023-09-07-luc-141144-1.png
Ngày càng nhiều làng nghề đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam.

“Làng nghề không chỉ là không gian kết tinh và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày càng nhiều làng nghề đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn khẳng định.

Trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chủ trì tọa đàm gặp gỡ 100 nghệ nhân, thợ giỏi đại diện cho các nghệ nhân, thợ giỏi và lao động trong khu vực làng nghề trong cả nước.

Ông Hạ Bá Định, một trong những nghệ nhân cao tuổi, nghệ nhân gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương chia sẻ, nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống bị lụi tàn. Nguyên nhân có lẽ nằm ở chỗ không có lớp thế hệ kế cận. Họ chưa thực sự tìm thấy mình ở nghề của ông cha. Ông Định bày tỏ hy vọng, các cấp, các ngành có thêm nhiều chương trình đào tạo nghề truyền thống, với đối tượng mục tiêu là thế hệ trẻ. Ông tin tưởng rằng, những nghệ nhân lão thành như bản thân còn đủ sức đóng góp cho việc bồi dưỡng này.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách cho các nghệ nhân, đồng thời tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách.

"Nghệ nhân như chúng tôi luôn mong muốn được sống bằng nghề của cha ông để lại. Hy vọng Bộ NN&PTNT sẽ có nhiều chương trình khuyến khích đối tượng thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động của các làng nghề, đồng thời có phương án tổ chức nhân cấy nghề cho các vùng chưa có nghề", ông Tĩnh nói.

Nghệ nhân nặn tò hè Đặng Văn Hậu, đến từ thôn Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) nêu thực tế các sản phẩm của các nghệ nhân gần như chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ dẫn đến bị làm giả, nhái sản phẩm. Bởi vậy, nghệ nhân cho rằng, sản phẩm của các nghệ nhân, thợ giỏi cần phải được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Ông Lê Nam Trung, nghệ nhân sản xuất ngọc trai đạt chứng nhận OCOP 5 sao tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, không phải quốc gia nào cũng có tiềm năng sản xuất sản phẩm này. Theo điều tra của doanh nghiệp, ông Trung thông tin rằng, chỉ một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Quốc... là có quỹ đất và tiềm năng để sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao này.

Ông Lê Nam Trung cũng đề xuất, bên cạnh sản xuất, các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ NN&PTNT có phương án hướng dẫn, thông tin nhanh chóng, kịp thời các yếu tố thị trường. "Đây là yếu tố cốt lõi để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhất là ở thị trường quốc tế", ông bày tỏ.

Các nghệ nhân mong bộ trưởng cùng các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề trên cả nước được sống bằng nghề của cha ông mình, để họ được cống hiến tài năng của đôi bàn tay và trí tuệ của mình. Đồng thời cần tạo điều kiện để ngày càng có nhiều thợ giỏi trở thành nghệ nhân, đặc biệt quan tâm đến lớp thanh niên kế cận tại các làng nghề. Các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống có phát triển được hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi.

Lắng nghe chia sẻ từ những nghệ nhân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Bảo tồn, gìn giữ, phát triển nghề truyền thống để truyền lại cho thế hệ mai sau là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn mỗi nghệ nhân, thợ giỏi cần tiếp tục trau dồi, nâng niu, trau chuốt, trân quý từng sản phẩm. Mỗi sản phẩm làng nghề phải kể được một câu chuyện mới thu hút, hấp dẫn khách hàng, từ đó phát huy, lan tỏa giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển làng nghề không chỉ làm cho làng quê sống động hơn mà còn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là nguồn sinh kế của người dân khu vực nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nghiên cứu, đề xuất giải pháp để nâng cao giá trị các làng nghề, đặc biệt là những sản phẩm của nghệ nhân và thợ giỏi; đồng thời tham mưu để có một tạp chí chuyên biệt về làng nghề xuất hiện trên các chuyến bay trong nước và quốc tế. Cùng với sự chủ động của các làng nghề, Bộ NN-PTNT sẽ kết nối doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi: “Làm sao để những sản phẩm ở tỉnh Hà Giang, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Long An đều được mọi người biết đến?”.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các làng nghề. Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các làng nghề tạo ra thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ cho những sản phẩm làng nghề.

Mục đích cuối cùng là phải bán được sản phẩm của làng nghề làm ra.

Ánh Tuyết và nhóm PV, BTV