Nhiều người cho rằng điều khiến phần dịch thơ này “gây sốt” với các bạn trẻ là được chuyển ngữ sang tiếng Anh một cách giản dị, và đặc biệt vẫn giữ thể thơ truyền thống của Việt Nam là lục bát.
Một số nhà khoa học cũng bày tỏ sự thích thú với bản dịch thú vị này. Tuy nhiên, cũng có nhiều đánh giá khác nhau về phần dịch.
Cô Lưu Nguyệt Ánh, giáo viên tiếng Anh Trường ĐH Mở Hà Nội nhận xét: “Mặc dù, có thể do đã quá quen thuộc với Truyện Kiều, nên tôi thấy bản chuyển ngữ tiếng Anh này chưa được nhuần nhuyễn lắm, đôi chỗ còn trúc trắc, nhưng về tổng thể bạn Quân làm được như vậy là tốt.
Việc chuyển ngữ Truyện Kiều là rất khó, bản dịch này thể hiện vốn từ vựng khá phong phú của người dịch. Bản này để người nước ngoài đọc, để họ có khái niệm ban đầu về Truyện Kiều cũng như một thể thơ của Việt Nam là ổn”.
Trong khi đó, chị Kim Ngân, cựu giảng viên tiếng Anh, hiện đang sống và làm việc tại Úc, lại có cách nhìn nhận khác.
Chị Ngân không đánh giá cao phần dịch này. Theo chị Ngân, nhìn vào phần dịch thì thấy người dịch có nắm được ý chính, như là nhà Kiều có 3 anh em, không giàu lắm… Nhưng tất cả những cái làm Truyện Kiều hay và đẹp thì mất đi.
“Đây là thứ tiếng Anh đơn giản, không có hình ảnh. Phần dịch này có điểm cộng là gieo được vần lục bát bằng Tiếng Anh - tất nhiên đây có là điểm cộng hay không thì cũng còn tùy quan điểm của người đọc. Nhưng phần dịch này cũng chỉ để đọc chơi chứ không phải là một bản dịch cần nghiêm túc chú ý” – chị Ngân nhìn nhận.
Được biết, người dịch là Huỳnh Minh Quân - cựu học sinh chuyên Lý, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Quân từng du học ngành Điện - Điện tử tại ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) và hiện đang làm việc ở Singapore.
Phần dịch Truyện Kiều đầu tiên của Quân xuất hiện từ đầu năm 2020. Khi đó, anh Quân cho biết trong vòng 3h anh đã ngẫu hứng dịch đoạn thơ đầu tiên trong Truyện Kiều, đoạn từ “Trăm năm trong cõi người ta… tới Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn” từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh.
Những bản dịch tiếng Anh của Truyện Kiều
Truyện Kiều là tác phẩm lớn của văn học cổ điển Việt Nam, vậy thì việc giới thiệu Truyện Kiều sang các ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh từ trước tới nay như thế nào?
Đã có một số bài viết bàn về vấn đề này, ví dụ như bài viết của GS. Nguyễn Văn Hoàn “Những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh”, và đặc biệt là bài viết của dịch giả Thúy Toàn “Dịch Văn học Việt Nam: Những người dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) và những người dịch Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh)”...
Còn theo Tạp chí Nghiên cứu văn học (số tháng 1/2016) có tất cả 12 bản dịch Kiều sang tiếng Anh của 12 dịch giả, trong đó có 5 bản dịch của người nước ngoài, 7 bản dịch của người Việt. Có một số bản dịch được đánh giá tốt là bản dịch của Lê Xuân Thủy, Huỳnh Sanh Thông, Michael Counsell, Zhukov và Timothy Allen.
Cụ thể 12 bản dịch này là:
1/ Bản dịch của Lê Xuân Thủy, dịch đầu tiên năm 1963, đến năm 2010, được chính ông hiệu đính lại, in tại Mỹ, lấy tựa là “The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu”. Rất ít tư liệu về giáo sư Lê Xuân Thủy, chỉ biết ông làm việc tại Bộ giáo dục miền Nam Việt Nam trước 1975.
2/ Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, nhà xuất bản Random House in lần đầu tiên năm 1973, với tên “The Tale of Kieu”. 10 năm sau, ông hiệu đính, in lại, từ đó về sau, các bản tái bản đều có tên “The Tale of Kiều”, chỉ 1 thay đổi nhỏ tên Kiều, nhưng như chính dịch giả nói, là 1 bước tiến trong việc nghiên cứu của người Mỹ về Việt Nam học.
3/ Bản dịch của Michael Counsell, lần đầu tiên xuất bản năm 1994, tái bản 2011 bởi NXB Thế Giới (Hà Nội, Việt Nam). Bản dịch của Michael Counsell có tên: “Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl”(Kiều, Câu chuyện về một người con gái xinh đẹp và tài năng).
4/ Bản dịch của Vladislav V. Zhukov, xuất bản lần đầu tiên năm 2004 với tên gọi “The Kim Van Kieu of Nguyen Du”. Zhukov là một nhà dân tộc học người Úc sinh năm 1941, đã từng ở Việt Nam hai năm rưỡi. Cũng được gợi cảm hứng từ hai bản dịch của Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông, Zhukov đã dịch Truyện Kiều và xuất bản năm 2004. Bản dịch của ông được đánh giá rất cao.
5/ Bản dịch của nhóm Mary Cowan, Carolyn Swetland, Đặng Thế Bính, Paddy Farrington, Elizabeth Hodgkin và Hữu Ngọc, NXB Ngoại văn, Hà Nội, dày 1043 trang với tên “The Tale of Kiều (Truyện Kiều)”[8].
6/ Bản dịch của Bạch Vân Bùi Trọng Hợp, dịch giả tự xuất bản tại San Diego, Hoa Kỳ với tên gọi “The Story of Kim-Van-Kieu”. Bùi Trọng Hợp là một nhà thơ, dịch giả tại Hoa Kỳ, hay dịch thơ tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại, sang Mỹ từ năm 1975, từng là giáo sư ĐH Waco, Texas.
7/ Bản dịch của Phan Huy Mạc Phi Hoàng, đăng trên web riêng của dịch giả với tên gọi “The Tale of Kiều”.
8/ Một bản dịch chúng tôi nghĩ là tóm tắt vì chỉ có 148 trang, có tên “Kieu: An English Version Adapted from Nguyen Khac Vien’s French Translation” do Arno Abbey dịch và tự xuất bản năm 2008. Arno Abbey là 1 dịch giả không nổi tiếng mấy, chỉ xuất bản 2 cuốn, 1 là dịch Kiều từ bản tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, 1 là 1 cuốn sách về văn phạm tiếng Anh (“ABC to Abacus, an Introduction to Graphemics”).
9/ Bản dịch của Ngô Đình Chương, có tên “My version of Kieu”, dịch giả tự xuất bản tại San Jose, Hoa Kỳ năm 1993, 165 trang.
10/ Bản dịch của Timothy Allen có tên “Kieu, The New Lament for a Broken Heart” (Tiếng kêu mới của một trái tim tan vỡ). Năm 2008, ông đạt giải thưởng Stephen Spender khi dịch Truyện Kiều dưới tên gọi: “Kiều: A New Lament for a Broken Heart” (dịch thoát nghĩa của tựa “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du), sau đó tiếp tục nhận được học bổng Hawthornden giúp ông trở thành một nhà thơ.
Timothy Allen đánh giá Truyện Kiều rất cao: “Mọi người Việt Nam đều biết bài thơ. Bạn có thể tìm thấy nông dân ở các ruộng lúa cũng có thể đọc thuộc lòng toàn bộ Kiều bằng cả trái tim. Đó là một câu chuyện tình yêu và một bộ phim kinh dị, đầy ma, nhà thổ, đàn ông và phong cách Robin Hood ngoài vòng pháp luật. Kiều, người phụ nữ xinh đẹp đã đi qua một loạt các tai ương và biến chúng thành thứ âm nhạc đẹp đẽ, đã trở thành một biểu tượng cho chính Việt Nam. Nhiều quốc gia hùng mạnh đã cố xâm lược Việt Nam, nhưng bản thân người dân đã tự sống sót, dù bị đánh đập nhưng không bị trói buộc, và với những bài hát của Kiều trên môi và trong trái tim của họ."
11/ Bản dịch của Thùy Dương, với tên gọi “Kim Vân Kiều”.
12/ Bản dịch của Thái Hùng Tâm, với tên gọi “The Story of Kieu, The New Cry of Painfulness” xuất bản năm 1996, song ngữ. Do Nhà xuất bản Viet Moon ấn hành.
Gần đây nhất, năm 2020, dịch giả Dương Tường công bố bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Ông lấy tên dịch phẩm là "Kiều in Duong Tuong’s version".
Phương Chi
4 cô gái của loạt blog văn học đình đám 'hút hồn' Gen Z
Cùng là những người có niềm yêu thích đặc biệt với văn chương, các bạn trẻ này đã lập nên những cộng đồng học văn với mục tiêu có thể chia sẻ kiến thức bổ ích và lan tỏa niềm đam mê văn học tới nhiều bạn học sinh.