Tại một diễn đàn do Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) tổ chức hôm 14/10, 5 cựu bộ trưởng và các chuyên gia bán dẫn chia sẻ cần có sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ để các nhà sản xuất chip tránh lặp lại “vết xe đổ” của Toshiba và Intel.

Kim Chang-beom, Phó Chủ tịch FKI, lưu ý Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang cung cấp các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế khổng lồ để thúc đẩy ngành công nghiệp chip trong nước, đồng thời kêu gọi chính phủ đưa ra các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự. Nếu xu hướng tiếp tục, năng lực sản xuất chip của Hàn Quốc sẽ đi sau các cường quốc khác.

Hwang Cheol-seong, Giáo sư khoa học và Kỹ thuật vật liệu Đại học Quốc gia Seoul, chỉ ra lợi thế cạnh tranh của Hàn Quốc có thể bị suy yếu trong tương lai gần vì quy trình phát triển DRAM 2D hiện tại mà các hãng chip nội địa áp dụng sẽ gặp hạn chế trong 5 năm tới.

Theo ông, việc cấu trúc DRAM 3D xếp chồng lên nhau, tương tự như chip flash NAND dọc, là không thể tránh khỏi.

Ông cũng cảnh báo việc các công ty Trung Quốc nhanh chóng xâm nhập vào thị trường bộ nhớ toàn cầu, nhờ hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ.

Hãng nghiên cứu thị trường TrendForce thống kê các công ty Trung Quốc chỉ chiếm 6% thị phần memory chip thế giới trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, nhưng dự kiến tăng lên 10,1% trong quý III năm sau.

tqrjbvob.png
Các cựu bộ trưởng và chuyên gia bán dẫn lo ngại Hàn Quốc bị tụt hậu trong cuộc đua sản xuất chip toàn cầu nếu không có sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ. Ảnh: Shutterstock

Lee Youn-ho, cựu Bộ trưởng Kinh tế tri thức từ năm 2008 đến 2009, bày tỏ, không nên xem sự hỗ trợ của chính phủ cho ngành công nghiệp bán dẫn là phân biệt đối xử với các công ty riêng lẻ.

Ông đánh giá lĩnh vực bán dẫn đã vượt ra khỏi khuôn khổ và trở thành ngành công nghiệp liên quan trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của một đất nước.

Nó cũng gắn bó chặt chẽ với an ninh quốc gia vì hơn 90% công nghệ quân sự hiện đại dựa vào công nghệ chip. Đó là lý do chính phủ các nước quyết định cung cấp những khoản tài trợ lớn như vậy.

Yoon Sang-jik, cựu Bộ trưởng Công nghiệp từ năm 2013 đến 2016, giải thích, cần đáp ứng bốn điều kiện tiên quyết về lực lượng lao động, quỹ, điện và dữ liệu để ngành công nghiệp chip có thể phát triển.

Ông cũng nhắc đến khả năng cung ứng điện kém trong nước. Dẫn ví dụ chỉ riêng cụm bán dẫn lớn nhất thế giới đang được xây dựng tại thành phố Yongin đã cần tới 49 GW điện vào năm 2029, ông kêu gọi ban hành luật đặc biệt để “nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng mạng lưới truyền tải điện bị trì hoãn, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới cũng như đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các lò phản ứng mô-đun nhỏ thế hệ tiếp theo”.

Xét đến sự thay đổi nhanh chóng của ngành bán dẫn, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ AI, Lee – người đứng đầu Bộ Công nghiệp từ năm 2022 đến năm 2023, nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính phủ trong việc thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc thông qua các chính sách hỗ trợ.

Lee Jong-ho, cựu Bộ trưởng Khoa học từ năm 2022 đến năm 2024, cho rằng cần phải hợp tác giữa các học viện, ngành công nghiệp và viện nghiên cứu để phát triển chip năng lượng thấp, giảm mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của AI.

Ngoài ra, cần xây dựng hạ tầng điện toán cho các trường đại học và mở các quỹ hỗ trợ các công ty công nghệ AI.

"Các trường hợp của Toshiba và Intel cho thấy sự thất bại trong đổi mới và sai lầm trong đầu tư cũng như thiếu hỗ trợ có thể khiến các công ty thống trị một thời sụp đổ", Lee Sang-ho, Phó Chủ tịch Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Công nghiệp của FKI nhận xét.

Toshiba từng là nhà sản xuất chip nhớ flash NAND số 1 thế giới vào đầu những năm 2000, nhưng cuối cùng rút lui khỏi thị trường chứng khoán vào tháng 12/2023, chấm dứt lịch sử 74 năm là công ty đại chúng.

Intel cũng là nhà sản xuất thiết bị tích hợp hàng đầu, từng thống trị thị trường bộ xử lý trung tâm với thị phần 82,6% trong quý III/2016.

Giờ đây, công ty đang phải vật lộn để tồn tại và ghi nhận khoản lỗ ròng 1,61 tỷ USD trong quý II/2024, đồng thời tách mảng kinh doanh xưởng đúc thua lỗ.

(Theo Korea Herald)