Để xử lý vấn đề sâu bệnh, chị Thu Huyền chủ yếu sử dụng dung dịch tỏi, ớt, gừng, rượu để phun nhẹ lên cây, lên lá hoặc xuống đất trồng.
Gia đình chị Thu Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) đã dành ra khoảng ban công rộng thoáng để trồng rất nhiều các loại rau sạch, cây ăn quả, củ giúp bữa ăn gia đình thêm đảm bảo.
Dù khá bận rộn với công việc và chăm sóc gia đình nhưng chị Huyền vẫn dành thời gian để tạo cho mình một khu vườn nhỏ xinh với rất nhiều các loại rau sạch, cây ăn quả trên ban công nhà mình.
Chị Huyền cho biết, ban công nhà chị có mái che nên chị không quá khó khăn để bảo vệ cây cối ở khoảng không gian này. Tuy có mái che nhưng cây cối vẫn đảm bảo xanh tốt quanh năm vì ánh nắng, mưa gió vẫn tràn ngập mỗi ngày.
Ban công bé xinh được chị sắp xếp khéo léo để bài trí khoảng 30 thùng xốp, giúp chị thoải mái trong việc chọn lựa giống và trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây, rau...
Theo chị, sử dụng thùng xốp là cách khá tiết kiệm chi phí, thùng lại có khả năng giữ ẩm tốt giúp cây ít khi bị thiếu nước, đảm bảo chất dinh dưỡng giúp các loài cây, rau luôn tươi xanh, phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, để đối phó với thời tiết nắng gắt, chị Huyền đã thiết kế kiểu thùng trữ nước bằng chai nhựa để cây không bị thiếu nước. Hơn nữa, việc làm thùng cho cây giúp chị không mất nhiều công tưới và vì thùng không bị đục thủng đáy nên nước ít khi thấm ra sàn.
Chị thường lấy đất trên bãi sông Hồng và tự tay trộn nên chi phí để tạo nên vườn rau trên ban công khá ít, khoảng 3 - 4 triệu.
Chị Thu Huyền chia sẻ, khi chọn thùng xốp, bạn nên tùy vào loại cây rau, củ quả trồng để chọn kích thước thùng xốp cho phù hợp. Trước khi trồng, bạn nên đục thêm nhiều lỗ xung quanh cạnh thùng xốp giúp đất được thoáng khí.
Chị thường trồng cây vào các thùng cao, chứa được nhiều đất và giữ được nhiều nước, hạn chế việc bị trôi phân bón. Bên cạnh đó, việc tưới nhiều lần có thể khiến đất bí, dính chặt gây bó rễ cây. Trồng trong thùng cao tưới nước ít hơn giúp cây có thời gian yên tĩnh để phát triển.
Về các giống rau chị thường tự ươm là chính. Theo chị nếu tự ươm trồng, dù hơi mất thời gian nhưng cây rau thường khỏe hơn, năng suất hơn so với mua cây con ngoài chợ. Với các loại rau, chủ yếu là chị sử dụng hạt gieo thẳng vào đất, gieo khá thưa và thêm một lớp đất dày khoảng 1cm phía trên rồi tưới đủ độ ẩm là hạt có thể mọc thành cây.
Với cải xoong, chị sử dụng đất thịt và nước trộn thành bùn và cấy gốc cải xoong mua ngoài chợ, chăm bón một thời gian là có thành quả tươi tốt ngay trong thùng xốp nhà mình. Để các loại cây, rau đảm bảo chất dinh dưỡng, chị thường ngâm rác lâu ngày trong thùng xốp, hoặc sử dụng phân NPK để bón thúc giúp cây sai hoa, sai quả hơn.
Để xử lý vấn đề sâu bệnh, chị Thu Huyền chủ yếu sử dụng dung dịch tỏi, ớt, gừng, rượu để phun nhẹ lên cây, lên lá hoặc xuống đất trồng.
|
Chị Huyền tiết lộ, dù trồng cây, rau đã hơn 4 năm nhưng chị chưa bao giờ phải thay đất vì việc thay mới mất khá nhiều thời gian và công sức. Vì vậy chị chọn giải pháp cải tạo đất hàng năm bằng cách rắc vôi phơi khô vào đất vào mùa hè và bổ sung chất dinh dưỡng khi chuẩn bị trồng lứa rau, củ quả mới.
Khoai tây đến mùa thu hoạch. Nhìn những thành quả của chị Huyền sẽ khiến rất nhiều chị em ngưỡng mộ. Cà chua sai quả khi được trồng đúng cách trong thùng xốp. Chị trồng được cả gừng trong thùng xốp để nấu ăn cho cả nhà. Để cây chanh đào sai quả, chị Huyền chia sẻ, trước tết 1 tháng để cây đói nước 1 tuần, cứ để lá rụng hết, sau 1 tuần sẽ tưới lại, cây sẽ bật mầm mới và ra rất nhiều hoa. Khi cây đang ra hoa tuyệt đối không tưới phân bón, chỉ tưới nước sạch thôi. Khi cậy đậu quả bằng ngón tay mới bón NPK cho quả mau lớn.
Khế sai quả và rất dễ chăm bón, chị chỉ cần thường xuyên tưới nước vo gạo là có được thành quả ai cũng mong chờ như thế này. Ổi cũng sai quả, trĩu nặng trên cành. Đu đủ bắt đầu ra hoa, đậu quả. Mùa hè chị cũng trồng vài cây dưa lê, dưa lưới, dưa hấu để có thêm hoa quả bổ sung dinh dưỡng cho cả nhà. |
Theo Emdep