Những năm gần đây, trong quá trình phát triển liên tục của smartphone, có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng kích cỡ của chúng ngày càng tăng lên. Nhưng, bạn có để ý rằng, hình dạng của những chiếc điện thoại của chúng ta cũng dần “dài” hơn, dù có mang hiệu Samsung, LG hay thậm chí là cả Apple?
Cách đây 10 năm, khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt và tái định hình cả thế giới smartphone sau này, nó sở hữu màn hình tỉ lệ 3:2 ở độ phân giải khiêm tốn 480x320. Ngay cả khi màn hình Retina ra đời vào năm 2010, tỉ lệ 3:2 này vẫn được giữ nguyên. Thế nên, không mấy ngạc nhiên khi trong thế giới Android vô số chủng loại sản phẩm, tỉ lệ 3:2 vẫn ở thế chủ đạo. Ít lâu sau, vào năm 2012, tỉ lệ 16:9 bắt đầu trở thành chuẩn của cả ngành công nghiệp smartphone, khi iPhone 5 và mọi flagship khác thời điểm đó sử dụng màn hình tỉ lệ này.
Thay đổi này là bước tiến tất yếu và hoàn toàn hợp lí: người dùng sẽ có thêm diện tích sử dụng (do kích cỡ màn hình tăng) mà không gặp khó khăn khi cầm điện thoại (hay cả khi bỏ túi quần!). Hơn thế, tỉ lệ này cũng là theo chuẩn tỉ lệ HD, và cùng với nhu cầu tăng lên của việc xem video HD trên thiết bị di dộng, màn hình 16:9 rõ ràng là hơn hẳn màn hình 3:2 rồi.
Thế nhưng, nếu nhà sản xuất muốn tạo thêm diện tích sử dụng cho người dùng, hơn cả tỉ lệ 16:9 có phần đang trở nên lỗi thời trên điện thoại thì sao?
Câu trả lời chính là tiêu chuẩn mới được khai sinh vào năm 2017: màn hình không viền tỉ lệ gần với 2:1.
Hãy thử nghĩ về cách chúng ta sử dụng điện thoại hàng ngày, khi hầu hết các ứng dụng quen thuộc đều ở dạng một trang dài có thể kéo theo chiều dọc qua góc nhìn màn hình cung cấp. Dù là dùng Facebook, Instagram hay check mail, đọc báo, chúng ta đều chủ yếu cầm điện thoại bằng một tay, kéo lên kéo xuống bằng ngón tay cái và chạm vào thứ chúng ta cần. Nhìn chung, ngoài lúc xem video, hiếm khi nào điện thoại của chúng ta được đặt ngang.
Hãy nhìn bức ảnh bên trên: chiếc iPhone 7 nhìn hết sức vô lý và ngây ngô bên cạnh 2 “siêu phẩm” Android mới. Có thể so sánh ngay về tỉ lệ: chiếc Essential Phone gây chấn động thời gian qua có màn hình chỉ rộng như iPhone 7 Plus, dù cao hơn một chút, nhưng tổng thể lại nhỏ hơn rõ rệt. Trong khi đó, dù có kích cỡ máy chỉ như iPhone 7 Plus, Samsung Galaxy S8+ lại có màn hình cong 6,2-inch tràn bề mặt làm màn hình chiếc iPhone cho cảm giác nhỏ bé đến đáng thương. Máy LG G6 mới ra mắt (không có trong hình) cũng có tỉ lệ tương tự, và tất nhiên, viền màn hình mỏng.
Nhìn chung, những sản phẩm mang triết lí mới này khiến iPhone và điện thoại Android khác trở nên lạc hậu, lỗi mốt. Tại sao lại có khoảng trống vô dụng ở trên, và cả ở dưới màn hình nữa? Tại sao chúng lại tồn tại trong khi không có tác dụng gì cả?
Apple, gã khổng lồ luôn nổi tiếng với định hướng tương lai sáng tạo của mình, có vẻ lại đang đi sau trong xu hướng này. Tuy thế, điều đó sẽ không kéo dài lâu, khi nhiều tin đồn về iPhone cho thấy: iPhone 8 sẽ có màn hình với tỉ lệ “cao” hơn (gần với 2:1) với viền mỏng hơn xung quanh. Rõ ràng, hai khoảng trống vô tác dụng cần phải bị cắt giảm hoặc loại bỏ.
Tất nhiên, vẫn tồn tại những thử thách trong việc biến điều này thành hiện thực. Nút Home với cảm biến Touch ID cần có vị trí mới, có thể là ở phía sau lưng, hoặc bằng cách nào đó có thể tích hợp vào màn hình. Lợi ích đem lại chắc chắn là xứng đáng nếu Apple có thể thực hiện: một chiếc iPhone cao hơn, viền siêu mỏng với kích cỡ vẫn đủ nhỏ để dùng một tay, mà lại mang tới nhiều diện tích sử dụng hơn hẳn. Tương tự như thế, việc loại bỏ những phần thừa cũng đem lại sự tập trung cao hơn cho người dùng.
Trong tương lai gần, nếu Apple cũng sử dụng tỉ lệ màn hình gần với 2:1, như Samsung đã làm với bộ đôi S8/S8+ (tỉ lệ 18,5:9) thì chúng ta có thể khẳng định rằng: mọi chiếc smartphone sau đó trong toàn ngành cũng sẽ lấy tỉ lệ của 2 ông lớn này làm chủ đạo. Bạn hãy quen dần với tỉ lệ này đi là vừa!
Theo GenK