Năm 2020, thế giới đã dành trọn 365 ngày để ứng phó với SARS-CoV-2, chủng virus corona mới gây ra đại dịch Covid-19. SARS-CoV-2 len lỏi khắp nơi, trong các bản tin nóng hổi, trong các từ khóa tìm kiếm trên internet, trong câu chuyện thường ngày, trong không khí và trong cơ thể của hàng triệu người...

Diễn biến dịch bệnh tại các quốc gia có thể khác nhau về mức độ và phạm vi, song thông qua biểu đồ số ca mắc mới tính theo ngày của Worldometers, có thể thấy thế giới đang trong làn sóng dịch bệnh thứ ba, đáng chú ý là làn sóng sau thường nguy hiểm hơn làn sóng trước. 

covid.jpg

Đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng mà còn là một biến cố lớn đối với nhân loại. Những mầm mống tiêu cực và tích cực trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội... bung ra mạnh mẽ hơn trong bối cảnh dịch bệnh càn quét toàn cầu. Đại dịch khiến thế giới phải đối diện với những vấn đề chưa có tiền lệ, mặt khác thúc đẩy quá trình sáng tạo, đổi mới. 

Để sớm đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới sau các làn sóng dịch Covid-19 trong năm 2020, các quốc gia cần giải quyết thấu đáo bài toán về đáp ứng nhu cầu thiết yếu của công dân, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tự do cá nhân và lợi ích cộng đồng, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài trong các lĩnh vực cơ bản, đặc biệt là y tế...

Trước mắt, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới tùy thuộc vào năng lực quản trị và xử lý khủng hoảng của từng quốc gia cũng như nỗ lực chung trong việc kiểm soát đại dịch, nhất là vấn đề phân phối vaccine. Không có một quốc gia nào an toàn khi thế giới chưa khống chế được đại dịch. Covid-19 cho thế giới thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự hợp tác, đoàn kết trong nỗ lực ứng phó với các biến cố thời đại toàn cầu hóa. 

Trên cơ sở lấy lợi ích và sự an toàn của người dân làm trung tâm, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN nhất trí nhiều sáng kiến và hợp tác ứng phó Covid-19 như: Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực; Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN; Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi; Khung phục hồi tổng thể ASEAN...

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Việt Nam sẽ đóng góp 100 nghìn USD vào Quỹ ứng phó Covid-19, cam kết đóng góp thiết bị, vật tư y tế vào Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực với giá trị năm triệu USD.

Ngoài ra, Việt Nam còn đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến trong khuôn khổ Liên hợp quốc và tích cực phối hợp các quốc gia thành viên khác để thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, văn kiện nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với Covid-19.

Bạch Hân - Thuý Hạnh