Một người bạn đồng hương lâu ngày không gặp, gởi tặng tôi ít cá thác lác quê nhà. Trong bữa cơm chiều ở nơi phố thị, nhìn món chả cá thác lác vàng ươm vợ chiên, lòng tôi không khỏi bâng khuâng.
Chợt nhớ những buổi chiều quê, tía đi câu mang về mớ cá thác lác, má tỉ mẫn ngồi chế biến vài món ăn để cả nhà lại ngồi quây quần bên nhau vừa ăn vừa nghe một điệu hò loáng thoáng bên sông.
Cá thác lác vốn là một trong những loại cá trắng sống rải rác trên các dòng sông ở miền Tây Nam Bộ, có thân hình dẹp, nom xa giống lưỡi dao, có vảy nhuyễn màu trắng bạc lấp lánh. Theo lời tía tôi kể lại, đây vốn là loại cá nước ngọt đặc trưng nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hậu Giang quê tôi nổi tiếng với loài cá thác lác vốn sinh trưởng tại Biển Hồ theo dòng Mekong vào Bắc Vàm Nao, lan tỏa đi hết các vùng sông nước miền Tây.
Nam Bộ quê tôi vốn là nơi được thiên nhiên ưu đãi, có những dòng sông nước đầy phù sa, với nhiều khoáng chất phù hợp cho sự sinh trưởng của cá thác lác. Chắc cũng vì lẽ đó nên thịt cá thác lác đặc biệt thơm ngọt, bùi dai, có màu trắng nõn tự nhiên, khác biệt với cá ở những vùng khác.
Khi còn non, cá thường sẽ có phần đuôi rất mỏng nên mọi người hay gọi đùa là cá lưỡi mèo. Khi cá lớn dần, cơ thể thường sẽ có phần lưng cong, thân xuất hiện nhiều chấm tròn đen, còn gọi là cá thác lác cườm. Tùy theo địa phương, có nơi người ta gọi loại cá này là thác lác hay phác lác. Theo quan sát của bọn trẻ nhà quê hay lân la khắp bờ ruộng góc ao thì cá thác lác đặc biệt thích sinh trưởng ở những ống bọng cây dừa bên thành cầu hay những gốc cây mụt ở mé sông.
Quê tôi khi xưa thường có câu ca: "Bần che bóng mát, cá thác lác quẫy đục ngầu. Anh hỏi em đã có nơi nào hay chưa". Chắc cũng bởi đặc điểm sinh tồn của cá thác lác là thường xuyên trồi lên mặt nước hớp oxy rồi quẫy đuôi lặn xuống để lại vài bọt nước, nên ông bà ta nói "quẫy đục ngầu". Chắc thói quen này đã tố giác nơi trú ẩn của cá thác lác cho những người thợ câu.
Đa phần cá thác lác thích ăn mồi câu như trùn, tép tươi, trứng kiến vàng, dế, nhộng ong… Tuy nhiên, món khoái khẩu câu nhạy nhất là con ăn mày, vốn là tên gọi của chuồn chuồn con mới nở còn sống dưới nước. Chúng tập trung ở những nơi nước đọng hoặc dưới lớp rễ của các lá bèo, lục bình.
Muốn bắt loại mồi này, chỉ có cách duy nhất là chịu khó dùng rổ đan dày mà xúc, sau đó móc mồi vào dây câu nhợ mảnh, lưỡi câu đơn số 9 là dễ dàng bắt được. Cá thác lác có tập tính ăn mồi chìm, nên khi đi câu, những người có nhiều kinh nghiệm thường tìm những chỗ mực nước có độ sâu từ 2 đến 4 mét.
Cá lác thác sau khi được tía tôi mang về sẽ được má rửa sạch rồi tỉ mỉ nạo phần thịt sẵn có màu hồng nhạt. Sau đó, má sẽ cho thêm ít muối, đường, hạt nêm, tiêu xay và tỏi băm nhuyễn phi vàng để món ăn dậy mùi thơm. Má tôi thường nhắc các con muốn giảm độ tanh của cá nên dùng tay quết thịt thật đều cho ngấm gia vị.
Thịt cá thác lác có đặc điểm càng quết lâu thì sẽ càng dai, càng tươi ngon và không bị bở khi nhúng lẩu. Người miền Tây thường có thói quen nặn chả thành từng viên nhỏ vừa ăn, hình tương tự trái cà na, có thể thoa thêm chút dầu ăn để chả không bị dính tay, góp phần tạo hình dễ dàng hơn. Chả nặn viên xong không hấp chín mà để tươi, bày cùng với khổ qua, hành cọng và ít rau miệt vườn. Người ăn muốn thưởng thức tới đâu sẽ bỏ chả và khổ qua nấu chín tới đó.
Nhà tôi có trồng một giàn khổ qua sau vườn nên mỗi khi có dịp cần sử dụng, hai chị em tôi lại cắp một cái rổ con ra vườn. Sau khi sơ chế và rửa sạch, má tôi sẽ bào hoặc cắt thật mỏng phần khổ qua, ướp nước đá để giữ độ giòn tươi và màu xanh đẹp mắt. Để tăng thêm độ tươi ngon cho món nước lẩu, má tôi thường ưu tiên chọn dừa cứng cạy, không quá già cũng không quá non, chặt lấy nước ngọt đậm nhưng thanh vị, nếu chọn trái non thì nước dùng có vị chua và nhạt, nồi lẩu mất đi hương vị tươi ngon, không tròn vị.
Thi thoảng, muốn làm cá chiên, chúng tôi khứa trên thân cá những rãnh cách nhau 2 phân cho xương bên trong gãy bớt. Bằm sả, ớt, muối ướp cho thấm rồi cho lên chảo chiên vàng rất thơm hoặc có thể phơi cá hơi heo héo rồi xẻ thân theo chiều dọc làm hai phần, sau đó róc bỏ cột xương.
Má tôi dùng muỗng nạo thịt cá cho vào cối, cho thêm chút muối, quết nhuyễn, ướp thêm tiêu, bột ngọt, hành lá bằm làm chả rồi dùng lá bắp cải gói nấu canh hay dồn vào ruột nửa trái khổ qua hầm. Món ăn đặc biệt này vào dịp tết nào má tôi cũng chế biến để dành cúng bà ngoại. Cũng bởi, bà tôi khi sinh thời rất thích ăn canh khổ qua, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Theo bà, ăn canh khổ qua hầm vào năm mới là dịp giúp cho cái khổ của năm cũ trôi qua, không còn vướng vít ở năm mới.
Không chỉ đơn điệu hai món này, cá thác lác còn được chế biến những món ăn khác tùy theo khẩu vị của từng địa phương như rút xương, ướp gia vị, chả chiên, chả xào rau củ, chả gói lá lốt nướng...
Tôi viết xong bài này mà nghe lòng chạnh buồn thương nhớ tía má ở quê nhà. Tiếc thay, nhiều năm qua đi, tía má cũng lặng lẽ rời bỏ tôi, sau những cơn đau kiệt cùng vì căn bệnh ung thư. Hoài niệm về món cá thác lác miệt vườn vẫn còn mãi trong tâm trí tôi, như những nhắc nhớ thật đẹp về một thời niên thiếu hạnh phúc bên gia đình. Chợt ước có một ngày được ngồi cùng tía má bên ngồi lẩu cá thác lác, nhìn ra dòng sông phương Nam lấp lánh ánh nắng, nghe một điệu hò ngân vang xa xăm.
Ảnh: NVCC
Nấu ăn là một nghệ thuật. Một trong những con đường chinh phục người khác đi qua dạ dày... Thật tuyệt khi có một người chồng nấu ăn ngon, một người vợ đảm... Cũng thật an tâm khi những đứa con lớn lên, rời nhà đi học xa, làm ăn xa biết tự chế biến những món vừa ngon, vừa rẻ, vừa sạch, lại không tốn thời gian, đảm bảo sức khỏe... Hàng ngày, bạn nấu giỏi món ăn đơn giản nào? Hãy chia sẻ với mục Ẩm thực của chúng tôi.
Bài viết cùng những hình ảnh hấp dẫn sẽ được đăng tải. Email xin gửi về [email protected]. Trân trọng cám ơn!
Lâu không ra Hà Nội, tôi đã tự nấu bún dọc mùng, mọi người ăn đều khen ngon nhưng tôi vẫn thấy khó tìm được hương vị từng thưởng thức trong cái lạnh năm nào.
Gà nướng muối ớt mềm thơm, da giòn, có vị mật ong, màu sắc hấp dẫn là một gợi ý để bạn trổ tài với các thành viên trong gia đình cũng như bạn bè đến chơi nhà.