Hôm 20/4, Diễn đàn "Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc" được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc chiếm gần 1/3 diện tích cả nước và chiếm ¼ lượng vốn đầu tư của nhà nước mỗi năm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng trũng của việc phát triển, một trong những vùng khó khăn nhất cả nước. Nguy cơ tụt hậu của vùng ngày càng lớn.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, một trong những lý do là lực lượng doanh nghiệp trong vùng còn chưa phát triển, mật độ doanh nghiệp của vùng chưa bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Và có tới 8 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc góp mặt trong nhóm 10 tỉnh có số doanh nghiệp hoạt động thấp nhất cả nước. Trong xếp hạng PCI của VCCI, đa số các tỉnh thuộc vùng này nằm ở trong nhóm khá và trung bình, trong 10 tỉnh có xếp hạng thấp nhất thì có 5 tỉnh thuộc vùng này.
Do đó, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng cần hoàn thiện các quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa thành công của sự phát triển của vùng.
Vấn đề hoàn thiện các quy hoạch phát triển, Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cần lưu ý đến liên kết chuỗi trong vùng, trong việc hình hành các khu kinh tế và các dự án phát triển. Ví dụ cơ chế hình thành phát triển chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn hài hòa với phát triển nông nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái tâm linh; đồng thời tận dụng lợi thế cửa khẩu để phát triển kinh tế cửa khẩu.
Diễn đàn "Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc" |
Chia sẻ với các ý kiến tham luận tại Diễn đàn, ông Hầu A Lềnh Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết, trong thời gian qua, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã có những bước phát triển rất ấn tượng, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của Vùng. Chính điều đó đã tạo nên diện mạo thay đổi tương đối cơ bản về cơ sở hạ tầng, nhận thức của người dân, về điều kiện vật chất và những sự thay đổi về tăng trưởng kinh tế Vùng.
Kết thúc năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh Tây Bắc là trên 30% nhưng đến nay chỉ còn trên dưới 10%. Như vậy trong vòng 5 năm đã có sự thay đổi rất lớn. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đã có những đề án trọng tâm với ba chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 120.
Để làm được điều đó phải có các cơ chế chính sách phù hợp như: Phải có một vị “nhạc trưởng” điều phối, tăng tính liên kết với nhau để sự tương đồng giữa tỉnh này với tỉnh kia được đồng bộ; Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông; Cần có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; Có giải pháp về khoa học công nghệ…
“Khi có đủ những yếu tố này trong tay thì địa phương sẽ có đủ điều kiện để xây dựng chính sách, tạo tiền đề cho các tập đoàn kinh tế lớn, kể cả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa trên địa bàn có cơ hội phát triển” - Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhấn mạnh.
Lê Na