Tại hội thảo "Những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm", do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 4/10, một số doanh nghiệp đã chia sẻ câu chuyện tìm hướng đi mới, xuất ngoại sản phẩm thành công bất chấp thị trường tiêu dùng có xu hướng sụt giảm.

Thu triệu USD từ thức ăn đường phố 

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Công ty TNHH Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho biết, doanh nghiệp đang sống khoẻ, sống tốt nhờ vào các loại bánh, xôi truyền thống Việt Nam.

Hiện đơn vị xuất khẩu 9 món ăn, như: bánh nậm Huế, bánh bột lọc Huế, bánh gai, xôi khúc, xôi gấc, bánh giò... sang các hệ thống phân phối lớn tại Mỹ, Nhật Bản... 

Các đơn đặt hàng trước cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của doanh nghiệp đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá khoảng 600.000 USD (tương đương 14,5 tỷ đồng). Nếu tính cả năm 2023, doanh số bán các loại bánh, xôi là 1,5 triệu USD (khoảng 36 tỷ đồng).

Đáng chú ý, dù là công ty gia đình với truyền thống gần 30 năm làm mắm, nhưng sự chuyển đổi nhanh trong cơ cấu sản phẩm kinh doanh đã giúp doanh nghiệp thành công.

banh bot loc 3.jpeg
Bánh bột lọc xuất khẩu và được kiều bào đón nhận. 

Trước đó, trong các đơn hàng xuất khẩu mắm đi Mỹ, công ty tặng kèm bánh nậm và bánh bột lọc cho người tiêu dùng ăn thử. Kiều bào Việt bất ngờ vì được ăn bánh nậm, bánh bột lọc, khi họ đang cách xa quê hương nửa vòng trái đất. Do đó, công ty xác định đây chính là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

"Xa quê hương, nhớ mẹ hiền, có tiền chắc gì ăn được đồ quê hương", đây là câu nói mà ông Tuấn luôn ghi nhớ khi chuyển đổi sang làm bánh, xôi truyền thống xuất khẩu. Ông chia sẻ, đối với người Việt đi nước ngoài, họ chỉ dùng thức ăn bản địa khoảng 3 ngày, sau đó sẽ thèm đồ quê hương. 

Nắm được tâm lý này, Sông Hương Foods tập trung sản xuất món ăn truyền thống cho người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở các nước. Hàng xuất khẩu chủ yếu phục vụ kiều bào.

Các sản phẩm được cấp đông ở -18 độ C. Theo tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), sản phẩm cấp đông sẽ giữ được trong vòng 2 năm và không cần bất kỳ chất bảo quản nào, vị CEO cho hay.

Ví dụ, bánh bột lọc Huế xuất đi Mỹ được cấp đông, người tiêu dùng chỉ cần hấp lên trong 15 phút hoặc cho vào lò vi sóng 5 phút là có thể ăn được ngay, hương vị không khác gì món ăn được phục vụ tại Việt Nam. 

"Đâu cần phải bay về nước, người Việt mới được ăn đồ Việt. Thời gian tới, chúng tôi dự định tăng lên 19 món ăn truyền thống xuất khẩu. Quan trọng, đồ ăn phải được chính người nước ngoài, cư dân bản địa tiêu thụ", ông Tuấn nói.

Công ty sở hữu 50% thị phần sốt tiêu thịt bò toàn cầu 

Nếu như Sông Hương Foods tập trung làm món ăn truyền thống thì Chủ tịch HĐQT Phan Minh Thông của Công ty Phúc Sinh lại đẩy mạnh chế biến sâu cho ngành hàng gia vị xuất khẩu, cụ thể là hồ tiêu.

Tính đến hết 9 tháng của năm 2023, doanh thu của công ty tăng khoảng 18% so với cùng kỳ. 99% doanh số đến từ xuất khẩu. Các mặt hàng của Phúc Sinh có mặt ở 102 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, đối với nước sốt tiêu đóng lọ ăn cùng thịt bò, Phúc Sinh đang chiếm khoảng 50% thị phần sản phẩm toàn cầu.

Đối với mặt hàng cà phê, doanh nghiệp kỳ vọng kịp khánh thành nhà máy mới tại tỉnh Sơn La trong tháng 10/2023. Điều đặc biệt, nhà máy này chế biến vỏ cà phê thành trà uống, giá bán thậm chí còn cao hơn giá cà phê. Ngoài ra, trong tháng 11/2023, một nhà máy chế biến sâu gia vị cũng được doanh nghiệp đưa vào hoạt động tại Bình Dương.

Ông Thông cho biết, chế biến sâu chính là công thức giúp doanh nghiệp trụ vững qua các năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Nếu cạnh tranh về nguyên liệu, công ty sẽ không thể cạnh tranh được. Mỗi năm, một vụ thu hoạch chỉ kéo dài vài tháng, hàng hoá không giữ được lâu nếu thiếu chế biến sâu. Do vậy, Phúc Sinh đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, dù cần nhiều thời gian, công sức.

Ngọc Cương và nhóm PV, BTV