Năm 2018, He Jiankui, nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học & Công nghệ Nam Phương (Thâm Quyến, Trung Quốc) tuyên bố, ông cùng các cộng sự đã bí mật đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR để tạo ra hai bé gái sinh đôi có khả năng kháng lại virus HIV. Nhiều báo cáo khẳng định, ông He cũng liên quan đến sự ra đời của một đứa trẻ biến đổi gen nhiều hơn.

{keywords}
Ông He Jiankui tham dự Hội nghị quốc tế về biến đổi gen người ở Hong Kong, Trung Quốc tháng 11/2018. Ảnh: Reuters

Mặc dù nhà di truyền học người Trung Quốc bày tỏ tự hào về đột phá trên, nhưng cộng đồng khoa học thế giới lại đón nhận thông tin với sự hoài nghi xen lẫn lo lắng.

Một trong những điều mà cả giới chuyên môn và công luận lo ngại nhất về kỹ thuật chỉnh sửa gen người bằng CRISPR là, công nghệ này có thể được dùng để tạo ra những em bé "thiết kế trong phòng thí nghiệm" với thể chất và chỉ số thông minh vượt trội. Trong trường hợp xấu nhất, điều này có thể dẫn đến sự bất công xã hội, đem lại lợi thế cho những bậc cha mẹ có điều kiện về kinh tế để "nâng cấp" thể chất và trí tuệ cho con cái họ.

Nhiều người thậm chí cáo buộc ông He đã có các hành vi phi đạo đức khi tạo ra những đứa trẻ biến đổi gen theo ý muốn.

Theo báo RT, một tòa án Trung Quốc vừa tuyên phạt ông He 3 năm tù giam cũng như yêu cầu ông phải nộp phạt 3 triệu Nhân dân tệ (gần 10 tỷ đồng) vì tội hành nghề y trái phép. Hai đồng nghiệp của ông He cũng phải nhận án tù và nộp tiền phạt vì liên can đến vụ án.

Các bản án được công bố 11 tháng sau khi Bắc Kinh khẳng định sẽ truy tố nhóm của ông He vì các hoạt động biến đổi gen ở người. Các nhà điều tra cáo buộc ông He và các cộng sự đã tự chi cho dự án nhằm "tìm kiếm danh vọng cá nhân".

Tân Hoa xã trích dẫn cáo trạng của tòa cho hay, các nhà khoa học nói trên "đã cố tình vi phạm các quy định quốc gia về nghiên cứu khoa học và chữa trị y tế".

Tuấn Anh