Việc tham gia giao thông như thế nào sẽ nói lên nhiều điều về chúng ta. Nó thể hiện văn hoá và phép lịch sự, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhường nhịn, và khoan dung lẫn nhau.
Hãy thử tưởng tượng bạn đang cố gắng điều khiển xe qua một giao lộ đông đúc giữa trời nắng 40 độ. Căng thẳng vì phải xử lý các tình huống, bạn lại nghe tiếng còi xe như thúc ép bạn chạy nhanh từ người phía sau. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Một trường hợp khác, bạn đang dừng đèn đỏ đúng làn đường quy định. Bỗng một chiếc xe ô tô từ phía sau ấn còi đòi bạn phải tránh chỗ để nó rẽ phải. Bạn có hai lựa chọn, đứng yên và không làm gì cả và tiếp tục nghe tiếng còi xe như thúc ép. Hoặc bạn lách lên một chút và… cán qua phần làn đường cho người đi bộ, với khả năng bị cảnh sát giao thông xử phạt. Không lựa chọn nào dẫn đến kết cục tốt đẹp cả.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp mà văn hoá giao thông của người xung quanh khiến bạn khó xử, thậm chí khó chịu. Trong xã hội hiện đại, con người dành rất nhiều thời gian để lưu thông trên đường, và rất nhiều cảm xúc mà ta có trong ngày được tạo ra từ những người không quen biết cùng lưu thông đó.
Giữa ngổn ngang tắc đường thế này, còi xe có giúp bạn tiến nhanh thêm chút nào? Ảnh minh họa: VietNamNet |
Tôi từng khó chịu cả một ngày dài chỉ vì buổi sáng khi đi làm phải chịu những tiếng còi xe vô tội vạ hay những phàn nàn của người xung quanh. Ô nhiễm không khí, rồi ô nhiễm tiếng ồn, và ô nhiễm từ thái độ của mọi người là những yếu tố khiến các thành phố trở nên không đáng sống nữa.
Tuy nhiên, suy cho cùng thì những gì chúng ta vừa nói ở trên không hẳn là câu chuyện ý thức của người lưu thông. Tôi vẫn thường nghĩ rằng những hành xử như vậy mang tính thói quen, mà đã là thói quen thì nó thường vô thức, vô tâm. Chính tôi cũng từng sử dụng còi xe khá thường xuyên khi lưu thông vì tôi được những người xung quanh “dạy” làm điều đó. Nhưng khi bản thân trở thành nạn nhân của những thói quen, tôi hiểu rằng không thể tiếp tục duy trì chúng.
Sử dụng còi xe vô tội vạ là một thói quen cần phải hạn chế. Ở một cộng đồng được xem là có văn hoá giao thông cao như Nhật Bản, việc sử dụng còi xe là cấm kỵ, vì nó chỉ được sử dụng cho hai mục đích: khi khẩn cấp, hoặc để tỏ thái độ nóng giận với một ai đó. Dùng còi xe để thúc ép người khác đi nhanh, hay để bảo họ tránh đường cho mình chạy, với người Nhật là rất vô phép.
Thực tế thì việc hạn chế sử dụng còi xe không phải là một việc quá khó, và cũng không gây bất tiện cho cuộc sống chúng ta. Còi xe có thể khiến người phía trước khó chịu và tránh ra một bên cho ta vượt lên và khả năng cao là chúng ta đã tiết kiệm được khoảng… 20 giây lưu thông. 20 giây ngắn ngủi đó chắc không đem lại nhiều lợi ích, nhưng để đạt được nó, ta lại đổi bằng sự khó chịu và bực bội của người khác.
Khi lưu thông, người ta không cần tiếng còi xe của bạn để chạy nhanh thêm. Nếu họ không thể chạy nhanh như bạn mong muốn, đơn giản là họ không thể. Thử đặt tình huống bạn là người bị ấn còi, bạn sẽ xử lý ra sao?
Việc tham gia giao thông như thế nào sẽ nói lên nhiều điều về chúng ta. Nó thể hiện văn hoá và phép lịch sự. Những thói quen xấu như ấn còi inh ỏi, hay bắt người khác tránh ra để rẽ, thực chất không phải lúc nào cũng vi phạm pháp luật giao thông. Nhưng chúng ta không nên chỉ thỏa mãn với việc “không vi phạm”. Văn hoá giao thông đòi hỏi nhiều hơn như thế. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhường nhịn, và khoan dung lẫn nhau.
Như câu chuyện dê trắng dê đen khi qua cầu, ai cũng có thể nói đó là quyền của tôi để được đi nhanh hơn, nhưng có thực sự là nhanh không? Và nếu nhanh một khoảng thời gian ngắn để đổi lại sự bực dọc của người khác, hay một trận kẹt xe, hay một tai nạn, hoặc tệ hơn là một sự chán nản với giao thông, với thành phố, và cao hơn là với xã hội, liệu nó có đáng không?
Thay đổi thói quen giao thông không khó, thực sự không khó. Và nó đem lại cảm giác dễ chịu. Cuộc sống vốn dĩ có rất nhiều điều phải phấn đấu, cho nên tranh giành nhau từng giây từng phút trên con đường đi làm không khiến ta giàu có hơn, mà có thể chỉ khiến ta có cảm giác tệ hơn. Bỏ những thói quen xấu là một việc làm nhỏ, giá không cao, nhưng sẽ đem lại hiệu quả lớn không chỉ cho bản thân, mà còn là cho rất nhiều người.
Lê Nguyễn Duy Hậu