Bài xẩm đánh dấu sự trở lại trong một sản phẩm đón mùa xuân, đón Tết của nhóm Xẩm Hà Thành sau tròn 4 năm kể từ Trách ông Nguyệt Lão, ra mắt tháng 1/2020. Tết Việt mang không khí rộn ràng của mùa xuân, sự háo hức của lòng người khi đón những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều câu hát gợi lên những hình ảnh yêu thương của ngày Tết. Giá trị Tết trong tâm thức của người Việt rất ý nghĩa.
Trong câu hát xẩm gợi lên sự kết nối Tết Việt ở cả ba miền của đất nước “Bánh chưng, bánh tét, hương trầm/ Dâng lên tiên tổ trên mâm cỗ đầy”.
Đồng thời tôn vinh giá trị ý nghĩa nhất của ngày Tết, nhất là trong giai đoạn hiện nay: “Cháu con tề tựu về đây/ Tết vui là tết sum vầy bên nhau”… Kèm theo đó là những câu hát gợi lên nét mặt rạng ngời của những đứa trẻ trong ngày đầu năm mới, của những lời chúc tốt đẹp nhất mà mọi người vẫn dành cho nhau trong thời điểm đất trời chuyển sang một vòng quay mới: “Trẻ con vui nhận lì xì/ Mong cho năm mới cái gì cũng thông/ Trai chưa vợ, gái chưa chồng/ Đến thì năm mới qua sông gặp đò/ Làm ăn cũng chẳng phải lo…”.
Sự phá cách trong khuôn khổ truyền thống bài xẩm Tết Việt là một sáng tác mới của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long dựa trên hai điệu xẩm rất quen thuộc, nhất là với người Hà Nội là điệu tàu điện và xẩm chợ.
Điều đặc biệt trong bài xẩm này là đoạn chuyển giao giữa hai điệu xẩm tàu điện và xẩm chợ, tác giả đã để một khoảng không gian tương đối dài, gấp 3 lần so với thông thường để các nhạc cụ đặc trưng của dân tộc trưng diễn kỹ thuật với những giai điệu, tiết tấu rộn ràng, lôi cuốn lòng người. Trong đó, bên cạnh cây đàn nhị và trống mảnh đặc trưng của hát xẩm, tác giả đã khai thác thêm cây kèn bầu khiến với âm sắc đặc trưng cao mảnh, sáng chói, càng khiến cho không gian trở nên rộn rã.
Các nghệ sĩ tham gia thể hiện bài xẩm là những nghệ sĩ chuyên nghiệp đang hoạt động biểu diễn hoặc giảng dạy trong các đơn vị nghệ thuật danh tiếng và là thành viên của nhóm xẩm Hà Thành. Tiếng kèn bầu do nghệ sĩ Hải Đăng trình bày, tiếng đàn nhị và trống, phách do các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Trần Hậu, Phạm Đình Dũng thể hiện.
Sở dĩ tham gia bài xẩm phải các nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống được đào tạo trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp chính là bởi có sự xuất hiện của đoạn nhạc ngẫu hứng ở giữa bài này. Trong đó, một trong những yêu cầu mà tác giả đề ra là phần âm nhạc vừa phải đậm đặc chất xẩm, với giai điệu chủ đạo thuộc về điều xẩm chợ, nhưng lại phải toát lên cả tinh thần của âm nhạc cung đình, của phần nhạc lễ trong những ngày hội xuân Bắc Bộ.
Các nghệ sĩ đã thể hiện hiệu quả và đúng như mong muốn của tác giả. “Khi nghe đoạn nhạc này lên, tôi cứ hình dung ra những câu chuyện xưa hiện lên từ những bức tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Đông Hồ. Nào là những linh vật, những vị tướng, những tùng cúc trúc mai và cả một đám cưới chuột rộn ràng…”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ.
“Giữ gìn truyền thống, sáng tạo trong truyền thống chính là tiêu chí đã định hình ngay từ những ngày đầu thành lập nhóm Xẩm Hà Thành, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ. Theo Mai Tuyết Hoa: “Thực hiện được điều đó góp phần quan trọng trong mong muốn mà nhóm đặt lên thành kim chỉ nam trong hoạt động đó là để hát xẩm sống trong đời sống”.
Người Việt luôn coi trọng giá trị truyền thống, giá trị này đặc biệt được phát huy trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ngay cả trong giai đoạn thế giới hiện đại và xu hướng hội nhập toàn cầu như hiện nay thì giá trị cổ truyền trong những ngày Tết Việt vẫn còn đấy, trong mỗi gia đình, trong lòng mỗi người.
Chính vì vậy, Tết cũng là thời điểm thích hợp để khán giả đón nhận những giá trị truyền thống như hát xẩm. Bài xẩm Tết Việt như góp thêm một nét truyền thống vào ngày Tết, đồng thời cũng là lời chúc với những điều tốt đẹp nhất của Xẩm Hà Thành đến với mọi nhà, đến với mọi người trong những ngày đón mùa xuân mới, đón Tết Giáp Thìn.
Lê Đỗ