Khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng 4, một trong những mối quan tâm chung của hai ông sẽ là mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
"Nếu không phải chủ yếu về Triều Tiên thì sẽ là một sai lầm", CNBC dẫn lời bình luận của Derek Scissors, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và là nhà kinh tế trưởng của China Beige Book.
Thực tế, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là một trong số ít chủ đề mà Bắc Kinh và Washington có chung sự quan tâm. Theo ông Scissor, hiện tại, chính quyền Trump chưa thực sự sẵn sàng tham gia với Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực bởi giữa hai bên còn tồn tại bất đồng, chẳng hạn về thương mại, tiền tệ, đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của ông Trump đã không còn đưa ra nhiều tuyên bố gay gắt nhằm vào Trung Quốc như khi còn tranh cử nữa.
Hiện nay, Mỹ coi Triều Tiên là một ưu tiên về chính sách đối ngoại. Điều này có thể thấy rõ qua việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chọn Hàn Quốc là nơi ông đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Theo CNBC, vấn đề Triều Tiên cũng là mối quan tâm của cả Trung Quốc. Trong vài tháng qua, ông Kim Jong Un đã nhiều lần đe dọa các đồng minh của Mỹ và liên tục thử nghiệm tên lửa.
'Chắc chắn sẽ có áp lực từ chính quyền Tổng thống Trump về việc phải giải quyết các vụ thử tên lửa và kiềm chế Triều Tiên", Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corp, nhận định. Nhưng theo ông, phản ứng của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là "họ thực sự không có nhiều sự kiểm soát đối với Triều Tiên".
Trên thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, do đó có ảnh hưởng không nhỏ đến nước này. Hồi tháng 2, Bắc Kinh đã dừng nhập khẩu than từ nước láng giềng sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa.
Hai cường quốc Mỹ - Trung sẽ gặp khó khăn khi bàn về Bình Nhưỡng, bởi họ có những mục tiêu khác nhau đối với bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh muốn duy trì nguyên hiện trạng, trong khi đó, Mỹ công khai phản đối bởi nó đã cho phép Triều Tiên tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân suốt nhiều năm qua.
"Chính sách kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt", Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định khi thăm Hàn Quốc trong tháng 3.
"Chúng tôi đang xem xét một loạt các biện pháp mới về kinh tế, ngoại giao và an ninh. Mọi lựa chọn đều trên bàn làm việc. Triều Tiên phải hiểu rằng cách duy nhất hướng tới một tương lai an toàn và thịnh vượng kinh tế là từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo cùng các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác".
Trong năm nay, Trung Quốc phản đối gay gắt việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
"Kết quả tốt nhất sẽ là Trung Quốc và Mỹ có một chính sách nào đó rõ ràng và chặt chẽ" về cách thức giải quyết vấn đề Triều Tiên, Charles Freeman, giám đốc quản lý hãng tư vấn Bower Group Asia, nhận xét. "Tôi không biết điều đó có thể hay không. Tôi sợ rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn chỉ ở giai đoạn nói với nhau" về chủ đề này.
Đến nay chưa có thông báo về ngày giờ cụ thể của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. Báo Palm Beach Post đưa tin, cảnh sát trưởng Sean Scheller của Lantana, Florida, nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới bang này trong các ngày 6-7/4. Tuy nhiên, chưa có thông tin chính thức từ Nhà Trắng.
Thanh Hảo