Kính thưa các Đồng chí Lãnh đạo Quốc hội chủ trì phiên họp,
Kính thưa Quốc hội
Trước hết, tôi xin bày tỏ sự tán thành với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022. Các báo cáo đã rất cụ thể, chi tiết, khách quan, đặc biệt là trong đánh giá tồn tại, hạn chế và đề xuất các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cho thời gian tới.
Qua các báo cáo và ý kiến của các vị ĐBQH, có thể thấy rằng, nước ta đã chiến đấu và chiến thắng trước đại dịch Covid 19, dù có nhiều mất mát, tổn thất nhưng chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, đồng thời đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Quốc phòng, an ninh, chủ quyền được giữ vững; Xu hướng ổn định và tăng trưởng được là chủ đạo. S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023 (chưa kể 2% cộng thêm của gói kích thích). Kết quả này cho thấy, sự điều hành chủ động, quyết liệt của Chính phủ, cũng như sự đồng hành, sát sao, hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành của Quốc hội.
Tuy nhiên, trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, môi trường kinh tế toàn cầu xấu đi, lạm phát, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu đã và đang tác động không nhỏ đến Việt Nam. Nước ta như cơ thể mới hết ốm, đang phục hồi sau tác động nặng nề của đại dịch vừa phải căng mình xử lý các vấn đề tồn đọng, vừa phải triển khai một khối lượng đồ xộ các nhiệm vụ mới, cấp bách và khẩn trương. Sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi nhiều hơn là thuận lợi và cơ hội. Hướng phát triển là chủ đạo nhưng nền tảng có nhiều nội dung chưa thực sự vững chắc. Do đó, mọi diễn biến cần được theo dõi chặt chẽ, có phương án, kịch bản, giải pháp chủ động, linh hoạt, kịp thời để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Tôi tán thành với các nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất toàn diện được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đặt ra cho thời gian tới. Tôi xin được tham gia, bổ sung làm rõ thêm một số nội dung sau đây:
Trước hết, cần Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội. Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này Nghị quyết 43 và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch chưa thực hiện dứt điểm (chương trình hỗ trợ thuê nhà cho công nhân, máy tính cho em).
Việc triển khai chậm làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ người lao động ở thời điểm khó khăn (Đến nay, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình). Có một sự “sốt ruột không hề nhỏ” khi chúng ta có tiền mà không thể tiêu được mặc dù nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, rất cấp bách. Nếu không có các giải pháp phù hợp thì tiến độ 2 năm của Chương trình là rất khó khả thi.
Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai, cải cách thủ tục hành hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà; nội dung nào đúng thẩm quyền thì phải quyết định ngay, tránh mọi việc dồn lên Chính phủ và Thủ tướng, hạn chế tối đa việc xin ý kiến lòng vòng giữa các đơn vị; tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện giải ngân, triển khai chính sách. Đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá các chính sách đặc thù, đặc biệt đã và đang triển khai nếu có hiệu quả, khả thi thì sớm trình Quốc hội ban hành cơ chế thống nhất, triển khai lâu dài, đồng bộ, hiệu quả.
Hai là, trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng. Cần tăng cường kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; kiểm soát nợ xấu; Có chính sách quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tác động bởi tăng giá là nông dân và công nhân lao động tại các khu công nghiệp, hỗ trợ tối đa để người lao động không phải bất đắc dĩ rút bảo hiểm xã hội 1 lần (nhất là ở các địa bàn trọng điểm như Đồng Nai của chúng tôi).
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, không được chủ quan, đề phòng với những biến chủng mới có thể xuất hiện. Tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện công lập; có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực. Mặc dù hệ thống y tế đang bị rúng động bởi “quả bom Việt Á” nhưng việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, vì sức khỏe nhân dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.
Ba là, tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của nước ta là rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động, can thiệp. Do đó cần theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin. Xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu xử đến đó; doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao; rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến các kênh dẫn vốn của nền kinh tế, đồng thời cũng để không sảy ra “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn (từ nửa đầu tháng 4 đến nay thị trường chứng khoán đã bốc hơi hơn 75 tỷ đô/1,7 triệu tỷ đồng). Cùng với đó, cần có công cụ để điều tiết thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản và kiểm soát việc tăng giá bất động sản bất thường ở mọi vùng, mọi nơi, tránh lại tiếp tục xảy ra “bong bóng bất động sản” thời gian tới.
Bốn là, những diễn biến gần đây trên thế giới cho phép chúng ta có đánh giá và rút ra kinh nghiệm quý báu để bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ với nguyên tắc “ta không chọn bên mà chọn chính nghĩa, chọn công lý”. Bối cảnh, tình hình hiện nay cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục phải quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho QPAN, nhất là tăng cường năng lực chiến đấu và thực thi nhiệm vụ của Quân đội và Công an. Nhà nước cần tập trung đầu tư hơn nữa cho các dự án nghiên cứu, sản xuất, chế tạo trong lĩnh vực QPAN (chúng ta làm đường cao tốc thì rất tốt, rất ý nghĩa nhưng chỉ cần bố trí kinh phí bằng một vài km đường cao tốc thôi thì cũng đã làm được rất nhiều thứ mà Quân đội cần); tập trung nguồn lực để hoàn thành các công trình, dự án QPAN; xử lý các vướng mắc về cơ chế nhất là trong chuyển mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng để hoàn thành các công trình phòng thủ, các dự án quan trọng, đặc biệt là với các tuyến đường chiến lược gắn Quốc phòng với kinh tế như đường Tuần tra biên giới và đường Trường Sơn Đông (nói thêm ý về đường Trường Sơn Đông). Đây là những tuyến đường được triển khai gần 20 năm nay nhưng chưa hoàn thành.
Tôi xin hết ý kiến.
Xin cảm ơn Quốc hội.