Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngành TT&TT năm 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng "Việt Nam muốn vươn ra biển lớn thì phải có thứ hạng cao". |
Năm nay, cách chúng ta tổ chức Hội nghị tổng kết sẽ có một chút thay đổi. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 đã được chuyển đến các đồng chí. Tóm tắt Báo cáo được trình bày thông qua video. Công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân sẽ được tổ chức riêng. Phát biểu của Bộ trưởng sẽ chủ yếu tập trung vào các nhận thức, định hướng cho 2019 và 2 năm cuối của nhiệm kỳ. Hội nghị cũng sẽ dành nhiều thời gian để nghe các phát biểu, tham luận, cụ thể là chiều nay và cả sáng ngày mai, với tinh thần là tiếng nói của các đối tượng liên quan sẽ được lắng nghe nhiều hơn.
Năm 2018 như là một năm mà vận nước đến. Tăng trưởng GDP cao nhất sau nhiều năm, lần đầu tiên cao hơn Trung Quốc. Tinh thần dân tộc lên mạnh mẽ, khắp nơi là khát vọng Việt Nam hùng cường, một loạt bài hát về tinh thần Việt Nam vang lên khắp mọi nơi. Đây là cơ hội Việt Nam. Tất cả các nước thành con hổ đều là do cơ hội đến thì tận dụng được. Vậy lúc này là lúc mà chúng ta nên tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính nền tảng, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho cả giai đoạn tới.
Bộ thông tin và truyền thông của chúng ta là một bộ về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, hay còn gọi là ICT. Sứ mạng của nó là đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. ICT là nền tảng của kinh tế số, xã hội số, CMCN 4.0.
Khởi nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, làm chủ thiết kế, tích hợp và công nghệ lõi. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết chính bài toán của mình. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp Việt Nam hoá Rồng, hoá Hổ. Doanh nghiệp công nghệ thì chủ yếu là trong lĩnh vực ICT. Bộ TT&TT phải đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng này.
Bộ chúng ta cũng là Bộ quản lý nhà nước về báo chí, về thông tin tuyên truyền. Sứ mạng của nó là báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần. Báo chí phải tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù là đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam, làm cho Việt Nam mạnh lên, làm cho Việt Nam ổn định, chứ không phải làm xói mòn sức mạnh của đất nước.
Một số việc lớn, có tính chất chiến lược lâu dài mà chúng ta phải làm trong giai đoạn tới, tôi xin điểm qua như sau:
- Rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật thuộc ngành thông tin và truyền thông, để loại đi sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau, bỏ đi cái cản trở sự phát triển, cái thừa. Nên thuê tư vấn làm việc này. Hệ thống pháp luật đã được đắp dần qua nhiều năm, thiếu thiết kế tổng thể, do các vụ, các cục làm độc lập với nhau, nay có nhiều mâu thuẫn và đã trở thành trở ngại cho sự phát triển của ngành.
Lĩnh vực viễn thông - CNTT có tính quốc rế rất cao, có nhiều tổ chức quốc tế đo lường và xếp hạng các nước. Trong 10 năm qua, xếp hạng của viễn thông - CNTT của chúng ta đã tụt dần xuống xếp thứ trên 100, đứng dưới trung bình thế giới. Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, chúng ta phải đưa thứ hạng của Việt Nam về 30 - 50. Toàn ngành phải bám vào các chỉ tiêu quốc tế để phấn đấu nâng cao thứ hạng Việt Nam.
Với sự xuất hiện của Mạng xã hội, hàng chục triệu người có thể đưa tin thì cách làm báo và cách quản lý báo chí phải có sự thay đổi căn bản. Sứ mạng của báo chí thì không thay đổi nhưng công nghệ làm báo và công nghệ quản lý báo chí thì thay đổi mang tính cách mạng. Ngoài ra, cách mà chúng ta sống và ứng xử trên Không gian mạng (KGM) cũng còn rất mới mẻ. Sử dụng công nghệ để nhìn thấy toàn cảnh bức tranh thông tin trên KGM, có khả năng phân tích, đánh giá và dự đoán xu thế của hàng trăm triệu thông tin, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ người dân, doanh nghiệp, bảo vệ nhà nước trên KGM. Đó là những thách thức quản lý mà Bộ TT&TT phải vượt qua.
Về việc một số Sở TT&TT bị mất tên, sáp nhập về sở khác là do chính chúng ta, do chúng ta chưa thể hiện được vai trò, chưa có đóng góp cho tỉnh. Muốn lấy lại vai trò của Sở, muốn Sở đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, muốn Sở chúng ta đúng là Sở Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thì đầu tiên phải là nhận thức đúng về Sở. Nhận thức đúng về 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở. Nhận thức đúng về tầm quan trọng của Công nghệ và Tuyên truyền trong sự phát triển của đất nước: Tuyên truyền tạo nên sự ổn định, còn Công nghệ tạo nên sự phát triển. Thay đổi ngành TT&TT, lấy lại tên cho mình là một hành trình vất vả, nhưng vinh quang, vì nó mang lại giá trị, lợi ích cho ngành, cho tỉnh và cho đất nước. Nó cũng làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta ý nghĩa hơn.
Về quản lý nhà nước thì đầu tiên là phải đo lường được. Cái gì không đo được thì không quản lý được. Đo được, tự động thống kê được, phát hiện sớm các bất cập để nhắc nhở, nếu xử lý thì thật nghiêm minh, có tính răn đe. Bởi vậy, năm 2019 chúng ta phải xây dựng, ban hành bộ chỉ số đánh giá, đo lường sự phát triển của từng lĩnh vực quản lý; Xây dựng xong hệ thống CNTT để đo lường và phân tích, đánh giá, dự báo, phát hiện sớm các vấn đề, các sai phạm trên tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ; Xây dựng bộ KPI cấp tỉnh về các lĩnh vực quản lý và công bố hàng năm.
Mọi chính sách, mọi sự quản lý, mọi cố gắng của ngành chúng ta là nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của 6 lĩnh vực sau đây:
1. Về lĩnh vực Bưu chính: Phát triển mạng lưới chuyển phát, logistics để phát triển thương mại điện tử. Duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 30-40%, để sau 5 năm nữa, doanh thu bưu chính Việt Nam sẽ tăng 3-4 lần và đạt 3-4 tỷ USD. Các Công ty bưu chính lớn, có bộ máy đến cấp huyện, xã có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ công cho các địa phương, giúp các tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ công và giảm biên chế. Những cơ hội mang tính lịch sử, làm thay đổi căn bản lĩnh vực bưu chính đang đến, và chúng ta phải nắm bắt cơ hội này.
2. Về lĩnh vực Viễn thông: Hạ tầng viễn thông không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc, mà nay, là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của CMCN 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật. Phổ cập smartphone và dịch vụ di động băng rộng sẽ thay cho phổ cập điện thoại. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạnh số thì đầu tiên phải là phổ cập smartphone. Phổ cập smartphone là nền tảng để đưa các ứng dụng đến mọi người dân. Cấp phép tần số 4G, thử nghiệm 5G là để tăng dung lượng, tăng sử dụng data trên mỗi người dân, tăng chất lượng mạng di động băng rộng.
Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới, chúng ta sẽ không chậm chân 8 năm, 10 năm như là đối với 3G và 4G nữa. Thứ hạng viễn thông Việt Nam trên thế giới từ vị trí 108 phải về thứ hạng 30-50. Thí điểm mobile money, cho phép khách hành chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng. Phát triển viễn thông phải đảm bảo yếu tố bền vững, khi thị trường điện thoại đã bão hoà thì phải chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thay vì vẫn tiếp tục cạnh tranh đến mức thiếu lành mạnh trên thị trường cũ, dẫn đến vấn nạn Sim rác. Bộ TT&TT sẽ làm rất nghiêm việc quản lý cạnh tranh và Sim rác.
3. Về lĩnh vực CNTT: Chuyển đổi số, Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh sẽ là những câu chuyện lớn của năm 2019. Muốn thay đổi thứ hạng thì chúng ta phải đi nhanh hơn. Chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số sẽ là câu chuyện bao trùm trong nhiều thập kỷ tới. Cần xây dựng chiến lược, đề án trong năm 2019, làm rõ kinh tế số, CMCN 4.0 trong từng lĩnh vực thì phải làm gì. Trong ASEAN thì Việt Nam đi chậm nhất về kinh tế số, Thái Lan đã đổi tên Bộ viễn thông - CNTT thành Bộ Kinh tế số, xã hội số được 3 năm nay.
Để đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT trong Chính phủ, từ Trung ương tới các địa phương, thì trong phân bổ ngân sách phải có hạng mục chi cho CNTT, hạt nhân triển khai CNTT tại các địa phương phải giao cho Sở TT&TT; sửa đổi các qui định về dự án CNTT, thuê dịch vụ CNTT, theo hướng đặc thù; chuyển một phần Quĩ Viễn thông công ích sang chi cho CNTT; các doanh nghiệp CNTT lớn đầu tư vào các dự án CNTT nền tảng và Chính phủ thuê lại dịch vụ, khi có ngân sách đầu tư thì có thể mua lại.
4. Về lĩnh vực An toàn - an ninh mạng: Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta cần làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho đất nước thịnh vượng hơn. Việt Nam chúng ta có cơ hội thành cường quốc về an ninh mạng. Không gian mạng là tương lai của loài người. Cường quốc an ninh mạng thì cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực.
Việt Nam phải là cường quốc thì mới có hoà bình lâu dài, không ai đánh được mình. Cùng một vạch xuất phát với tất cả các nước, lại có nguồn nhân lực an ninh mạng vào loại tốt nhất trên thế giới, với khát vọng dân tộc hùng cường, với một giấc mơ lớn, tài nguyên vô tận trong não mỗi người Việt Nam sẽ được khai thác, và chúng ta có thể đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hoà bình thế giới.
Năm 2019, phải bắt đầu từ việc tạo ra thị trường an toàn, an ninh mạng, các dự án đầu tư CNTT phải có hạng mục an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam; giám sát chặt chẽ an toàn KGM; đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của Chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an ninh mạng; năm 2019 không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin. Việt Nam cần phải trở thành Hub (trung tâm) về an ninh mạng của Asean.
5. Về lĩnh vực công nghiệp ICT: Công nghiệp ICT bao gồm công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp nội dung số, công nghiệp về dịch vụ CNTT, công nghiệp an ninh mạng, và đặc biệt mới là công nghiệp 4.0. Tôi xin nhấn mạnh về công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp nội dung số và 4.0.
5.1 - Về thiết bị điện tử viễn thông: Việt Nam có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới: Thế giới về cơ bản chỉ còn 4 Công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm : Ericsson, Nokia và 2 Công ty Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông. Với quyết tâm mức Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông và xuất khẩu được, điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019-2020. Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị Made In Vietnam nếu giá và chất lượng tương đương. Đây là việc có ý nghĩa rất lớn vì hạ tầng của kinh tế số là mạng lưới viễn thông.
5.2 - Về công nghiệp nội dung số: Nội dung số phải chiếm 20-30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chiếm 6-8%, là tỷ lệ quá thấp so với các nước. Cơ hội tăng trưởng ở đây còn 3-4 lần, doanh thu có thể đạt 3-4 tỷ USD. Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược, tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ công ty nội dung, hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho công ty nội dung.
5.3 - Về công nghiệp 4.0: Các công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Phải có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để thay đổi các lĩnh vực này bằng công nghệ, để đưa công nghệ công nghiệp 4.0 trở thành phổ cập ở Việt Nam. Bộ TT&TT sẽ thành lập bộ phận thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ, mà đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp CNTT đi tiên phong trong lĩnh vực này.
CMCN 4.0 cũng đòi hỏi sự thay đổi chính sách để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới do các công nghệ mới sinh ra. Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam, lễ ký kết đã diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) tháng 1/2019 vừa qua, Trung tâm sẽ đi vào hoạt động năm 2019, đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0. Bộ cũng sẽ xin phép Chính phủ cách tiếp cận Sandbox trong lĩnh vực ICT, cho phép thử nghiệm những cái mới trong một không gian và thời gian nhất định trước khi đưa ra chính sách quản lý.
6 - Về lĩnh vực Thông tin tuyên truyền: Thông điệp gửi đến báo chí là, báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường.
Người Việt Nam đọc tin nhiều hơn đọc sách. Và vì vậy, báo chí tác động, ảnh hưởng đến nhận thức của người Việt Nam rất nhiều. Và cũng vì vậy, vai trò quan trọng của báo chí được tăng lên rất nhiều so với các nước khác. Vậy nên, ý thức trách nhiệm của người làm báo Việt Nam lại càng phải cao, mà đầu tiên là các đồng chí Tổng biên tập. Phóng viên phải thấy trách nhiệm này để không dễ dãi với các bài viết của mình. Và cũng phải thấy tự hào, cao quí khi thấy mình có một sứ mạng cao cả là tác động đến nhận thức của hàng trăm triệu người. Hãy giữ lấy danh dự người làm báo, giữ lấy niềm tin của xã hội vào báo chí.
Muốn quản lý được báo chí thì đầu tiên phải nhìn thấy toàn bộ bức tranh hàng trăm triệu thông tin mỗi ngày trên KGM, phải giám sát được, đo lường được, phân tích và dự báo được các xu thế, phát hiện sai phạm để nhắc nhở. Các đơn vị, cá nhân sai phạm có hệ thống thì phải xử lý rất nghiêm minh. Xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số Quốc gia, Trung tâm quốc gia về Giám sát An toàn thông tin trên KGM. Đánh giá được xu thế thông tin theo từng báo, từng diễn đàn, từng phóng viên, từng Facebooker.
Nhiều báo hiện nay không nhận được hỗ trợ tài chính của nhà nước, tự bươn trải trên thị trường, trong khi thị trường quảng cáo bị chia xẻ gần 40% với Mạng xã hội, và con số này có xu thế ngày càng tăng lên. Bộ chúng ta cần sớm hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, đề xuất cơ chế thuế, cơ chế tự chủ tài chính thuận lợi cho báo chí phát triển. Với một nguồn thu nhất định nhưng ổn định sẽ giúp cho báo chí phụng sự Tổ quốc tốt hơn.
Tận dụng lợi thế của Mạng xã hội để thông tin truyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Báo chí không được bỏ trống trận địa này. Phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với Mạng xã hội. Thay vì đưa nội dung báo mình lên Mạng xã hội của người khác thì mỗi báo phải là một Mạng xã hội thu nhỏ của mình. Xây dựng và ban hành Bộ Qui tắc ứng xử trên Mạng xã hội. Ban hành qui định pháp luật về tin sai, Fake News. Xây dựng các Mạng xã hội Việt Nam, bên cạnh các mạng lớn như Zalo, Mocha, VCC với trên 60 triệu thuê bao thì phát triển các Mạng xã hội nhỏ hơn theo phân đoạn khách hàng. Đảm bảo sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các Mạng xã hội nước ngoài. Năm 2020-2021, Mạng xã hội nước ngoài và Mạng xã hội Việt Nam tương đương nhau về người dùng.
Đào tạo phóng viên, đây là giải pháp căn cơ, lâu dài. Mỗi tháng Bộ sẽ tổ chức 2 lớp đào tạo phóng viên. Tăng cường vai trò của Hội nhà báo về đạo đức báo chí. Thành lập câu lạc bộ các Tổng biên tập, tổng hợp các đề xuất đóng góp cho quản lý nhà nước về báo chí.
Năm 2019, phải thực hiện Qui hoạch báo chí; Sơ kết thực hiện Luật Báo chí và lập kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật báo chí. Nghiên cứu, đánh giá mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số địa phương để xem xét mô hình tập đoàn truyền thông nhà nước. Giải quyết tình trạng báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử tổng hợp; giải quyết nạn phóng viên làm tiền doanh nghiệp.
Năm 2019, Bộ chúng ta chọn chủ đề "Nâng cao thứ hạng Việt Nam". Việt Nam muốn vươn ra biển lớn thì phải có thứ hạng cao. Với phương châm hành động: Người đứng đầu Làm gương, nhân viên thì Kỷ cương, làm việc có Trọng tâm, suy nghĩ và hành động thì Bứt phá. Bứt phá là bỏ cái cũ, cách cũ, theo cái mới, cách mới với mục tiêu nhanh hơn, hiệu quả hơn, thay đổi được thứ hạng. "Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá " - Bộ chúng ta sẽ làm việc với tinh thần này.
Chủ trương 1, thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20 thì chúng ta mới có thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Lãnh đạo Bộ kêu gọi sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của tất cả các cơ quan, đơn vị trong Bộ, các Sở tại địa phương, của các doanh nghiệp, các hiệp hội, các báo, đài, nhà xuất bản, hãy bám sát sự lãnh đạo, các chủ trương của TW, hãy bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, hãy phát huy truyền thống anh hùng của Ngành, nền tảng mà bao thế hệ đi trước đã dựng nên, hãy cùng nhìn về phía trước, cùng đặt mục tiêu cao và cùng thực hiện, để góp phần mình cho Việt Nam hùng cường. Còn 700 ngày và đêm nữa để chúng ta làm việc với nhận thức, tinh thần và năng lượng mới để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu mà Đảng bộ Bộ TT&TT đã đặt ra cho nhiệm kỳ này.
(Theo mic.gov.vn)