Kính thưa, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Kính thưa đồng chí PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, GĐ, TBT NXB Chính trị quốc gia Sự thật
Kính thưa toàn thể quý vị đại biểu, quý vị khách quý, các nhà khoa học về tham dự Hội thảo ngày hôm nay!
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, gắn liền với quá trình lịch sử dựng nước và giữa nước của cả dân tộc Việt Nam.
Đất đai là thành phần quan trọng của môi trường sống, đồng thời là không gian sinh tồn của các cộng đồng dân cư gắn liền với từng gia đình, dòng họ và mọi người dân. Đất đai là địa bàn xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn nội lực, nguồn vốn to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Vì thế Điều 54 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”.
Sau 36 năm Đảng ta tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước (năm 1986), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chủ trương chính sách quan trọng về đất đai.
Đặc biệt là, năm 2003 Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 12/3/2003, tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để bổ sung và hoàn thiện Nghị quyết nói trên vào năm 2012, Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các Nghị quyết nói trên đã đưa ra những chủ trương mới của Đảng về quản lý nhà nước về đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất, chế độ sử dụng một số loại đất, là cơ sở cho Chính phủ ban hành Luật đất đai, Luật Đất đai được ban hành và sửa đổi 4 lần: Luật Đất đai đầu tiên của Việt Nam được ban hành vào năm 1987, ghi nhận dấu mốc quan trọng của hệ thống pháp luật về đất đai với điểm đột phá là chủ trương giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; và Luật Đất đai tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với những vấn đề mà thực tiễn đặt ra vào các năm 1993, 2003 năm 2013.
Tuy nhiên, những lần sửa đổi đó vẫn chưa triệt để, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Thực tế cho thấy, bên cạnh kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập.
Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng.
Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã đưa ra định hướng mang tính chiến lược cho giai đoạn 2021-2030 “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”, trong đó có nguồn lực đất đai, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ đột phát chiến lược, trong đó có vấn đề đất đai như: “huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực đất đai”.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nhấn mạnh: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch; phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất…
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tôi đánh giá cao việc Viện Kinh tế Việt Nam (thay mặt Viện HL KHXHVN) và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp cùng tổ chức Hội thảo quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Hội thảo đã quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách liên quan đến đất đai đến từ nhiều cơ quan, tổ chức của các bộ, ban, ngành, từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội doanh nghiệp.
Hội thảo có một số ý nghĩa sau:
Thứ nhất, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm cụ thể hoá Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng liên quan đến đất đai, đổi mới mặt mẽ, căn bản và toàn diện về thể chế, chính sách thị trường đất đai, quản lý, sử dụng đất.
Thứ hai, đóng góp vào việc tổng kết Nghị quyết 19 của Đảng và Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 sau gần 10 năm thực hiện.
Thứ ba, đề xuất các giải pháp để góp phần giải quyết nhiều vấn đề đã và đang nảy sinh, đang là điểm nghẽn, nút thắt cần phải tháo gỡ, trong đó có các vấn đề đấu thầu, đấu giá đất; quy hoạch đất đai; thu hồi đến bù đất cho các dự án kinh tế; đất đai thuộc sở hữu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi Cổ phần hoá; đất có nguồn gốc từ nông lâm trường; vấn đề cho thuê, giao đất mặt biển cho các dự án điện gió ngoài khơi…
Tôi hy vọng rằng các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ có nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan, khoa học để mổ xẻ vấn đề chính sách đất đai từ nhiều chiều cạnh, để từ đó có cơ sở đề xuất giải pháp để xử lý những vấn đề mang tính “căn cơ” đang đặt ra đối với chính sách, pháp luật đất đai; đồng thời có những kiến nghị mang tính “đột phá” nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thị trường đất đai để giải phòng nguồn lực đất đai, để thị trường đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Tôi cũng đề nghị Ban tổ chức Hội thảo tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Hội thảo ngày hôm nay, để có báo cáo kiến nghị chính sách về hoàn thiện chính sách đất đai gửi lên các cơ quan Đảng và Chính phủ.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, tôi xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Chúc các quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam