Thời hạn nộp bài 10/3 của cuộc thi viết thư quốc tế UPU 2018 đã sắp đến. Đến lúc này có thể thấy chủ đề về bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và phòng chống biến đổi khí hậu được khá nhiều bạn học sinh lựa chọn vì đây là đề tài hay và có nguồn tài liệu dồi dào. Biến đổi khí hậu có thể là chủ đề chính, hoặc có thể được nhắc đến như một phần câu chuyện trong bức thư.
Năm nay cuộc thi có đề bài là: "Hãy tưởng tượng em là một bức thư có khả năng du hành vượt thời gian, khi đó thông điệp nào em muốn truyền tải tới người đọc". Theo chỉ dẫn có 4 yếu tố cơ bản để một bức thư đoạt giải, đó là: Đảm bảo cấu trúc bài thi như một bức thư, Tôn trọng tuyệt đối chủ đề, Thể hiện sự sáng tạo và khả năng hành văn, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn (xem chỉ dẫn cụ thể ở đây).
Lịch sử và chủ đề UPU lần thứ 47 năm 2018 |
Một lời khuyên khác là các bạn học sinh nên đọc nhiều các bài mẫu dự thi để tham khảo qua sách báo, qua mạng và từ đó chọn ra cho mình cách viết tốt nhất, thích hợp nhất. Và nếu cần tham khảo về chủ đề biến đổi khí hậu thì chúng ta có thể xem phần bài mẫu tổng hợp dưới đây.
Viết thư UPU lần thứ 47: Bài mẫu hay về biến đổi khí hậu
Bài mẫu 1
Nước Mỹ ngày 10/1/2100
Xin chào các bạn của những năm 2000, tôi là lá thư do Michel Nguyen gửi tới các bạn đang sống ở thời kỳ 2000.
Tôi là công dân toàn cầu, tôi có cơ hội được đi đến nhiều nơi trên thế giới, vì thế điều tôi đang cảm nhận và muốn gửi gắm tới các bạn là hãy bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu ngay từ thế hệ của các bạn.
Khi tôi viết những thông điệp này, tôi đang sống ở một nước Mỹ với thời tiết mùa đông khắc nghiệt, lạnh kỷ lục các bạn ạ.
Những ngày gần đây, nước Mỹ đang trải qua một đợt rét khắc nghiệt nhất trong nhiều thế kỷ. Tại miền Bắc của nước này, nhiệt độ có lúc đã xuống tới âm 50 - 60 độ C. Còn miền Trung Tây và Bờ Đông của Mỹ phải đối mặt với rất nhiều rắc rối: tai nạn xe cộ, xe chết máy vì ống bô đóng băng, người thiệt mạng vì sốc lạnh, mưa và bão tuyết đang khiến cuộc sống của chúng tôi vô cùng cực khổ. Các bạn thử tưởng tượng nếu ra ngoài được chỉ 3 - 5 phút thì da thịt bạn đã đông cứng lại với một tủ đá âm đến 50 - 60 độ C mà các bạn vẫn thấy sẽ như thế nào.
Tôi đang chịu đựng đợt giá rét lần này đã phá sâu nhiều kỷ lục về nhiệt độ của Mỹ. Và thậm chí, nó lạnh đến mức khiến cho các loài vật vốn sinh ra để chịu lạnh - phải chết cóng và loài người dù cố gắng cũng đang rất khổ sở để vượt qua mùa đông.
Tuyết cũng đang rơi ở mức kỷ lục tại Mỹ. Tại một số khu vực ở New York ghi nhận tuyết rơi với độ dày lên tới 2m; các con sông bị đóng băng, nhiều sự kiện liên quan đến bơi lội thường niên bị hủy bỏ vì quá nguy hiểm.
Nguyên nhân khiến thời tiết lạnh bất thường hiện vẫn chưa được làm rõ! Một số người cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân, hoặc liên hệ trực tiếp với hiện tượng La Nina xảy ra sau khi El Nino kết thúc.
Chưa lúc nào mà nỗ lực phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai lại được đề cao như hiện nay, đặc biệt là khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với cường độ mạnh hơn, với diễn biến ngày càng bất thường, khó đoán.
Bão nối tiếp bão, liên tiếp những trận siêu bão với sức tàn phá lớn đổ bộ vào các khu vực Đông Nam Á, Mexico... Đó còn chưa kể hàng chục cơn bão đang đổ ập vào Trung Quốc, Mỹ và ngay cả Canada quê hương thứ hai của tôi.
Trong khi đó, Ấn Độ và các nước Nam Á cũng phải trải qua các đợt mưa lũ nghiêm trọng. Thảm họa lũ lụt được cho là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực này đã làm hơn triệu người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời nhà cửa đi lánh nạn.
Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện xa vời nữa, khi hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng khắc nghiệt, đòi hỏi các nước phải có những biện pháp quyết liệt hơn trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Sự nóng lên của Trái đất không chỉ ảnh hưởng tới bề mặt của biển mà còn ảnh hưởng tới những khu vực sâu hơn dưới mặt biển. Theo đó, ở vùng biển sâu hơn 700m, thậm chí là nơi sâu nhất của đại dương, nhiệt độ nước đang ấm dần lên.
Chúng ta đã không còn những Bắc Cực, Nam Cực trong lịch sử mà tất cả đã băng tan. Thật khủng khiếp các bạn ạ, những vùng đất nứt nẻ vì khô hạn, những nơi người dân chỉ sống chung với bão lụt và mùa đông nó trở thành nỗi ám ảnh của Châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong khi những nguyên nhân đầu tiên là những nguyên nhân hành tinh, thì nguyên nhân cuối cùng lại có sự tác động rất lớn của con người mà chúng ta gọi đó là sự làm nóng bầu khí quyển hay hiệu ứng nhà kính.
Hiểu sơ lược là: nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái đất được quyết định bởi sự cân bằng giữa hấp thụ năng lượng mặt trời và lượng nhiệt trả vào vũ trụ. Khi lượng nhiệt bị giữ lại nhiều trong bầu khí quyển thì sẽ làm nhiệt độ Trái đất tăng lên. Chính lượng khí CO2 chứa nhiều trong khí quyển sẽ tác dụng như một lớp kính giữ nhiệt lượng tỏa ngược vào vũ trụ của trái đất.
Một số khí khác cũng được gọi chung là khí nhà kính như NOx, CH4, CFC. Với những gia tăng mạnh mẽ của nền sản xuất công nghiệp và việc sử dụng các nhiên liệu hoá thạch (dầu mỏ, than đá...), nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nhiệt độ toàn cầu sẽ gia tăng từ 1,4 độ C đến 5,8 độ C từ 1990 đến 2100 và vì vậy sẽ kéo theo những nguy cơ ngày càng sâu sắc đối với chất lượng sống của con người.
Đến nay, chúng ta đang có trên 3 tỷ người nghèo đói, không có thức ăn chính là do biến đổi khí hậu mang đến.
Trước những thách thức đó tôi chỉ mong muốn các bạn phải điều chỉnh cách sống để phù hợp với sự biến đổi khí hậu nhằm ứng phó với những hình thái thời tiết hoặc khí hậu thay đổi bất thường xảy ra.
Bài mẫu 2
Vũ trụ năm 3.900
Xin chào những công dân thế kỷ 21, tôi là lá thư được gửi đến từ năm 3.900 để cảnh báo loài người trước nguy cơ bùng nổ dân số, cạn kiệt tài nguyên.
Một báo cáo mới được Liên hợp quốc công bố cho biết dân số thế giới hiện nay là 7,6 tỷ người, tăng 200 triệu người so với mức 7,4 tỷ người năm 2015.
Đóng góp vào sự gia tăng này là tỉ lệ sinh tương đối cao tại các nước đang phát triển. Theo báo cáo, dân số toàn cầu tăng thêm 83 triệu người mỗi năm và với tốc độ này, thế giới sẽ lần lượt có 8,6 tỷ người năm 2030, 9,8 tỷ người năm 2050 và 11,2 tỷ người năm 2100.
Sự tăng trưởng dân số tập trung chủ yếu ở những nước nghèo nhất thế giới, gây ra thách thức không nhỏ khi cộng đồng quốc tế nỗ lực đạt được những mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển bền vững 2030 nhằm xóa sổ tình trạng đói nghèo và bảo vệ hành tinh.
Đáng chú ý, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất hành tinh vào năm 2024. Ấn Độ hiện có 1,3 tỷ dân, thua Trung Quốc khoảng 100 triệu dân. Tuy nhiên, Nigeria mới là nước có tốc độ tăng dân nhanh nhất. Đến năm 2050, quốc gia Châu Phi này sẽ qua mặt Mỹ để đứng thứ 3 thế giới về dân số. Khi đó, 7 trong số 20 nước đông dân nhất thế giới nằm tại Châu Phi.
Ở chiều ngược lại, mọi quốc gia Châu Âu đều đang chứng kiến tỉ lệ sinh thấp khiến dân số có nguy cơ bị sụt giảm nếu không có sự bù đắp từ làn sóng di cư quy mô lớn.
Kết quả nghiên cứu cũng nhận thấy hiện có nhiều nam giới hơn phụ nữ (cứ 100 phụ nữ thì có 102 nam giới), trong lúc trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 1/4 dân số thế giới; chưa hết, số lượng người từ 60 tuổi trở lên được dự báo tăng từ 962 triệu người năm 2017 lên 2,1 tỷ người năm 2050 và 3,1 tỷ người vào năm 2100.
Sự gia tăng dân số quá nhanh đang đặt ra nhiều khó khăn, thử thách cho tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Do bùng nổ dân số, hiện nay, hơn 1 tỷ người trên thế giới thường xuyên không được tiếp cận nguồn nước sạch, trong khi đó 2,7 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch trong khoảng thời gian ít nhất 1 tháng trong năm. Với lượng tiêu thụ nước sạch như hiện nay, tới năm 2025, 2/3 dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng.
Ngoài ra, theo một báo cáo của tổ chức Global Harvest Initiative (GHI), tính tới năm 2050, thế giới sẽ không có đủ nguồn lương thực thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân toàn cầu khi dân số đạt mốc 9 tỷ người, toàn bộ tài nguyên đất của thế giới có thể sẽ bị cạn kiệt.
Trong vòng 40 năm trở lại đây, khoảng 1/3 đất canh tác trên thế giới đã không còn có thể trồng trọt được, do bị khai thác không hợp lý đến mức cạn kiệt. Hiện tượng sa mạc hoá đất đai ngày càng trở nên nghiêm trọng với khoảng 6 triệu ha đất bị sa mạc hoá hàng năm, gây ra tổn thất trên 40 tỷ USD. Hiện tượng sa mạc hoá làm ảnh hưởng đến đời sống của 850 triệu người trên thế giới.
Theo các nhà khoa học cho biết việc bùng nổ dân số còn ảnh hưởng đến sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tội phạm ngày càng tăng lên. Không chỉ vậy, chính phủ tại các quốc gia trên thế giới sẽ phải chịu thêm gánh nặng về cơ sở hạ tầng.
Vì thế, nếu như các quốc gia không cùng chung tay kiểm soát sinh sản, giảm tỷ lệ sinh, tăng cường truyền thông và giáo dục về nguy cơ biến đổi khí hậu thì Trái đất sẽ đứng trước hiểm họa trong một tương lai không xa.