Ý tưởng cho bài dự thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 vẫn còn rất nhiều. Hãy cùng tham khảo những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu về chủ đề an toàn giao thông với những ứng dụng công nghệ mới nhất. Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ và quy định viết thư UPU 2020 ở đây.

Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thế giới và góc nhìn trong thời đại của công nghệ.

Một điều các bạn học sinh cần lưu ý rằng bài mẫu chỉ để tham khảo và lấy ý tưởng cũng như cảm hứng, và bài mẫu khi đã đăng trên báo và mạng xã hội thì không thể bê nguyên đi làm bài dự thi. Điều quan trọng làm nên bức thư hay vẫn là dấu ấn cá nhân của mỗi bạn học sinh.

Về nội dung bức thư UPU, năm ngoái nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng đưa ra lời khuyên: "Tra Google để tìm hiểu kỹ về chủ đề của kỳ thi là một lợi thế nếu các em có thể lấy ra nhiều tư liệu quý; nhưng sau đó phải biến những kiến thức mình tra cứu thành ý tưởng của mình bằng sự tinh tế và thông minh rất riêng..."

Trong khi đó nhà văn Phong Điệp truyền thêm cảm hứng sáng tạo cho các bạn học sinh khi viết: "Điều mà các thành viên Ban Giám khảo trông chờ nhất ở mỗi bức thư chính là có cơ hội được lắng nghe các em cất lên tiếng nói của mình, bày tỏ những suy nghĩ về các vấn đề của cuộc sống cũng như tâm tư, khát vọng của cá nhân".

b1-bai-mau-viet-thu-upu-lan-thu-49-nam-2020-ve-an-toan-giao-thong-ung-dung-cong-nghe-bai-mau-viet-thu-upu-2020.jpg

Hãy cùng tham khảo những bài mẫu viết thư UPU 2020 tiêu biểu về chủ đề an toàn giao thông với những ứng dụng công nghệ mới nhất.

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về an toàn giao thông ứng dụng công nghệ

Gửi chú cảnh sát giao thông mà cháu vô tình gặp

Hôm nọ cháu là đứa học sinh bị chú giữ lại vì đi ngược chiều trên con đường về nhà quen thuộc. Bình thường cháu vẫn đi như vậy nên rất bất ngờ vì bị "bắt". Nhưng cuối cùng chú chỉ giải thích đúng sai và thả về, cháu rất cảm kích vì điều đó.

Thực ra chương trình giáo dục về an toàn giao thông ở trường cháu cũng thỉnh thoảng diễn ra, và cháu cũng là đứa ham tìm hiểu. Vì thế mà cháu hiểu là tình hình giao thông ở nước ta vẫn rất phức tạp, ý thức người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn đau lòng hoặc nếu không thì là tình trạng ùn tắc giao thông.

Năm 2019 có một tín hiệu tương đối tích cực, đó là số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 8.000, trong khi 10 năm trước số người thiệt mạng hàng năm là 12.000. Tuy nhiên như vậy bình quân mỗi ngày vẫn có 20 người chết và 50 người bị thương; trong khi việc chấp hành luật giao thông đường bộ dường như vẫn còn lạ lẫm với nhiều người.

Như cháu biết thì Việt Nam ta đang thí điểm xử lý vi phạm giao thông phạt nguội qua camera, và cháu thấy chuyện này rất hữu ích. Thay vì các chú cảnh sát giao thông phải túc trực nắng gió mưa bão ngoài đường mà vẫn không xử lý hết được vi phạm, thì nay camera có thể xử lý thay rất nhiều trường hợp.

Không chỉ vậy xu hướng công nghệ sắp tới còn là ứng dụng AI để nhận biết người lái xe sử dụng điện thoại, hoặc lái xe trong tình trạng say xỉn, buồn ngủ, để lực lượng cảnh sát giao thông ngăn chặn kịp thời.

Một ứng dụng nữa mà cháu thấy rất thiết thực đó là phạt nguội sử dụng hình ảnh quay phim do người dân cung cấp, hoặc do thu thập trên mạng xã hội. Nếu làm triệt để được biện pháp này thì chắc chắn ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông sẽ được cải thiện.

Bản thân hiện nay khi các clip hình ảnh vi phạm luật giao thông được chia sẻ trên mạng xã hội thì cháu có cảm giác nhiều người đã có ý thức tốt hơn. Và các chú cũng không cần phải lo lắng về những người quay clip cãi vã với cảnh sát giao thông, vì cư dân mạng nhìn chung đều có nhận định phán xét đúng đắn.

Đó là những chia sẻ của cháu để hy vọng các chú cảnh sát giao thông luôn yên tâm trong công tác, mang lại sự bình yên trên mỗi tuyến đường.