Đến nay thời hạn nộp bài dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 không còn nhiều, và chắc hẳn các bạn học sinh cũng đang tìm kiếm các bài viết mẫu để có ý tưởng hoàn thành. Trong khi đó trên mạng có khá nhiều các bài văn mẫu hay viết về những tấm gương người tốt việc tốt đời thường, phù hợp với đề bài năm nay.
Bên dưới sẽ là phần giới thiệu một vài bài văn mẫu hay về những "người hùng" dù chỉ là người hàng xóm láng giềng nhưng rất đáng cảm phục, đó là ý tưởng cho bức thư UPU của các bạn học sinh. Lưu ý đối với phần chào hỏi đầu thư, nội dung viết cho ai, viết lúc nào, viết để làm gì thì các bạn nên tự sáng tạo.
Ví dụ phần mở đầu thư thường phải có câu chào hỏi như: "Chào bạn. Tôi vẫn khỏe, còn bạn dạo này thấy nào. Tôi rất vui vì qua thư chúng ta có thể trao đổi nhiều điều thú vị như vậy. Hôm nay tôi muốn kể với bạn về một người mà tôi rất ngưỡng mộ..."
Như chúng ta đã biết, năm nay Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 sẽ có chủ đề: "Hãy viết một bức thư về người hùng của em" (Tiếng Anh: Write a letter about your hero). Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề năm 2019 là một "chủ đề truyền cảm hứng".
Trong lễ phát động cuộc thi hồi tháng 10/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khi đó cũng chia sẻ: "Đây là một chủ đề mở, khơi gợi nhiều tư duy sáng tạo, nhiều suy nghĩ và cảm xúc đối với mỗi thí sinh. Trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình".
Thời gian dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 là từ ngày 12/10/2018 đến 15/2/2019 (tính theo dấu bưu điện). Bài dự thi viết thư UPU dài không quá 1.000 từ, viết tay trên 1 mặt giấy. Bài thi phải cho vào phong bì có dán tem, gửi thường qua đường bưu điện đến địa chỉ Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5 Hòa Mã, Hà Nội.
Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 48 năm 2019 về gương “người hùng” hàng xóm láng giềng
Hãy cùng tham khảo một vài bài văn mẫu hay về những "người hùng" dù chỉ là người hàng xóm láng giềng nhưng rất đáng cảm phục, đó là ý tưởng cho bức thư UPU 2019 của các bạn học sinh (ảnh minh họa trên mạng). |
Bài mẫu 1
Lần chuyển nhà mới đây tôi đã gặp được rất nhiều người bạn thú vị và trong đó có một bác hàng xóm hiền lành, tốt tính để lại thiện cảm lẫn ấn tượng trong tôi rất nhiều.
Đó là một người phụ nữ ngoài 60, gương mặt phúc hậu và đôi mắt sáng, ấy là cái sáng trong trẻo nhân từ khó gặp được: mái tóc hoa râm hay được búi gọn và cài bằng cái trâm gỗ trông có vẻ rất cũ kỹ, nước da đã tràn ra những đốm đồi mồi nâu nâu loang lổ, giọng của bác lúc nào cũng êm như tiếng chuông chùa mỗi sớm. Bác có nói là bác tên Thanh.
Ngày chuyển nhà đồ đạc lỉnh kỉnh, bác đã sang làm quen tặng cho gia đình tôi những chiếc bánh ngọt tự tay làm và giúp dỡ đồ đạc, bác có chỉ cho bố mẹ tôi một vài cách bài trí cho sáng căn nhà nên bố mẹ tôi rất mến bác. Bác thích làm bánh ngọt, thường mỗi chủ nhật đều mang một ít sang cho tôi và mấy đứa em ăn. Tôi làm thân với bác, một phần vì thích đồ ngọt một phần vì thấy bác dễ gần.
Bác thường đi tập thể dục rất sớm và rủ tôi đi để rèn luyện sức khỏe, cũng vì thế mà tôi có thể dễ dàng qua được môn thể dục. Bác sống một mình, không có người thân nên khá cô đơn, bác nói bác quý tôi như con cháu trong nhà vậy. Mỗi lần bác vuốt đầu tôi, tôi lại thấy có một tia buồn bã ánh lên trong mắt bác.
Bác Thanh biết gẩy đàn tranh, thứ âm nhạc cổ điển này khá khó hiểu nhưng lúc nào cũng như suối mát chạy dọc bên tai, dù không am hiểu nhưng tôi cũng khá thích. Mỗi tối bác thường gảy đàn và có khi lại đi biểu diễn miễn phí trên nhà văn hóa của khu phố.
Bác có ngỏ ý muốn dạy tôi nếu tôi thích nhưng tôi đã từ chối. Điều tôi thích hơn là xem bác chơi đàn. Bác Thanh như một nghệ nhân xuất chúng, bác biết cả hát, diễn kịch, múa... Nhìn dáng vẻ biểu diễn của một người phụ nữ đã ngoài 60, tôi có thể mường tượng ra nét đẹp của bác lúc trẻ.
Một lần được bác rủ sang nhà chơi, sau bao nhiêu lần bỏ lỡ vì các cuộc hẹn bạn bè, tôi cũng được bước vào căn nhà nhỏ của bác. Sau cánh cửa lúc nào cũng khép ấy là một vườn hoa thược dược, hồng, cúc, lan nhẹ nhàng..., góc sân có khóm trúc khẽ đung đưa, giữa sân là một cãi chõng bằng tre trông rất cũ, nhiều chỗ đã lung lay ngồi xuống tưởng chừng như sắp gãy.
Trong nhà là một không gian rất ấm cúng, đầy đủ tiện nghi. Nhưng điều tôi chú ý là chiếc ảnh đen trắng in hình một người đàn ông điển trai. Bác thấy tôi cứ nhìn chằm chằm, liền cười nhẹ đặt cốc nước cam lên bàn. Bác Thanh nói đấy là chồng bác, lấy nhau năm bác 18 tuổi, chồng bác sau chiến dịch Mậu Thân không có tin đưa về nữa, đồng đội báo tin chồng bác mất và bác ở vậy đến bây giờ.
Tất cả những món đồ cũ kỹ trong căn nhà này đều là quãng thời gian chồng bác nghỉ phép về làm cho bác. Tôi thấy mắt bác Thanh ầng ậng nước khi nhắc về quá khứ, bác kể cho tôi nghe về những chiến tích mà chồng bác lập được khi tham gia kháng chiến mà ông đã viết thư gửi về. Tôi cảm phục người phụ nữ kiên cường này, gần gũi bác, mới thấy mình có một người hàng xóm quá đặc biệt.
Mấy chục năm trời thờ chồng, chồng bác ra đi không để lại cho bác một mụn con mà bác chịu ở vậy, lưu giữ lại kỷ niệm bao nhiêu năm qua. Thiết nghĩ trên đời này không chỉ có những bà mẹ Việt Nam anh hùng mà còn cả những người phụ nữ chung thủy như bác suốt những năm tháng chiến tranh đến thời bình.
Thật vui khi được làm quen và có bác Thanh là hàng xóm. Tôi thường tâm sự cho bác nghe chuyện cá nhân và được bác khuyên giải giúp đỡ, cũng thường nghe bác kể chuyện ngày xưa. Chúng tôi như những người bạn không cùng thế hệ nhưng cùng cảm nghĩ, yêu mến nhau như người nhà.
Và điều làm tôi yêu mến bác hơn là bác hay giúp đỡ những người cơ nhỡ, cho thuê một phần nhà với giá rẻ dành cho những người hoàn cảnh khó khăn ngày ngày phải bươn trải mưu sinh. Bác cũng thường nấu đồ ăn từ thiện đi phát cho các bệnh viện hoặc là nhặt chó mèo bị bỏ rơi về nuôi.
Tuy bác đã già, nhưng việc gì cũng không ngại và luôn tìm cách giúp đỡ người khác trong khả năng. Một hôm có người đàn ông không may đột quỵ khi đi tập thể dục sớm, cũng là bác nhanh trí sơ cứu rồi gọi mọi người đến giúp đỡ đưa vào bệnh viện.
Bác chỉ đơn thuần mặc đi mặc lại những chiếc áo cũ sờn vai rách gấu nhưng lại sẵn sàng mua một cái áo đắt tiền cho em nhỏ đánh giày bị lạnh. Bác hàng xóm của tôi tốt quá, nhìn những hành động của bác mà tôi tin trên đời này thật sự vẫn còn có nhiều người tốt bụng như bác.
Hàng ngày nghe tiếng quét sân, là tôi biết bác lại sẵn sàng cho quãng thời gian tốt đẹp của cuộc đời, giúp đỡ người khác và khiến cuộc sống của mình bình yên. Tôi cũng hay cùng bác đi làm những việc công ích cho xã hội, dù là nhỏ nhoi thôi.
Bác hàng xóm của tôi, một người tận tụy với xã hội và yêu mến mọi người khiến tôi cảm phục. Nhìn theo tấm gương của bác để học tập là điều vô cùng tốt.
Bài mẫu 2
Làng em mấy vụ được mùa liên tiếp, cảnh xóm thôn ngày một thêm đổi mới khang trang. Đường, trường, trạm được xây dựng. Nhiều nhà ngói mọc lên. Nhiều gia đình có của ăn của để. Nhưng đúng là phú quý sinh lễ nghĩa.
Từ khi cuộc sống khá lên, các đám cưới, giỗ chạp được tổ chức ăn uống lu bù. Quán bia, quán cà phê,... là nơi tụ tập cùa một số thanh niên, học sinh ăn chơi, đua đòi.
Thầy Tùng hiệu trưởng đã mấy lần nhắc nhở hiện tượng học sinh bỏ học, tối tối không chịu học bài, tụ tập chơi điện tử gây nên cảnh ồn ào, ầm ĩ. Các vị phụ huynh học sinh cũng phàn nàn, lo lắng. Trong các cuộc họp xóm, vấn đề này được đem ra bàn bạc, thảo luận.
Bác Xuân, sỹ quan về hưu, hội trưởng Hội khuyến học, thấy vậy nên tối nào cũng đi đến các quán điện tử, cà phê nhắc nhở các cháu học sinh về nhà học bài. Các quán điện tử, quán cà phê vì thế không còn đông khách như trước nữa. Các chủ quán tức tối ra mặt.
Họ đặt vè nói xấu bác Xuân, gắn cho bác là kẻ "ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng". Bác vẫn thầm lặng và bền bỉ vận động, thuyết phục. Nhờ có bác Xuân mà việc học tập của các học sinh quê em đã đi vào ổn định. Số học sinh thi Đại học, Cao đẳng, thi lên lớp 10 năm nào cũng dẫn đầu toàn xã.
Xóm em trở thành đơn vị dẫn đầu nếp sống văn minh, được nhận cờ thi đua toàn xã. Tối nào cũng vậy, bác Xuân lại đánh ba hồi kẻng dài, báo cho các gia đình biết "giờ văn hoá" đã bắt đầu. Nghe tiếng kẻng, mẹ em lại nhắc: "Lý ơi, ngồi vào bàn học bài đi con!".