Đến nay thời hạn nộp bài dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 không còn nhiều, và chắc hẳn các bạn học sinh cũng đang tìm kiếm các bài viết mẫu để có ý tưởng hoàn thành. Trong khi đó trên mạng có khá nhiều các bài văn mẫu hay viết về những tấm gương thầy cô giáo thân thuộc, phù hợp với đề bài năm nay.

Bên dưới sẽ là phần giới thiệu một vài bài văn mẫu hay về "người hùng" là những cô giáo khiến học sinh cảm phục và noi theo, đó chính là ý tưởng cho bức thư UPU 2019 của các bạn học sinh. Lưu ý đối với phần chào hỏi đầu thư, nội dung viết cho ai, viết lúc nào, viết để làm gì thì các bạn nên tự sáng tạo.

Ví dụ phần mở đầu thư thường phải có câu chào hỏi như: "Chào bạn. Tôi vẫn khỏe, còn bạn dạo này thấy nào. Tôi rất vui vì qua thư chúng ta có thể trao đổi nhiều điều thú vị như vậy. Hôm nay tôi muốn kể với bạn về một người mà tôi rất ngưỡng mộ..."

Như chúng ta đã biết, năm nay Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 sẽ có chủ đề: "Hãy viết một bức thư về người hùng của em" (Tiếng Anh: Write a letter about your hero). Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề năm 2019 là một "chủ đề truyền cảm hứng".

Trong lễ phát động cuộc thi hồi tháng 10/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khi đó cũng chia sẻ: "Đây là một chủ đề mở, khơi gợi nhiều tư duy sáng tạo, nhiều suy nghĩ và cảm xúc đối với mỗi thí sinh. Trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình".

Thời gian dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 là từ ngày 12/10/2018 đến 15/2/2019 (tính theo dấu bưu điện). Bài dự thi viết thư UPU dài không quá 1.000 từ, viết tay trên 1 mặt giấy. Bài thi phải cho vào phong bì có dán tem, gửi thường qua đường bưu điện đến địa chỉ Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5 Hòa Mã, Hà Nội.

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 48 năm 2019 về cô giáo như người hùng

b1-bai-mau-viet-thu-upu-lan-thu-48-nam-2019-ve-nguoi-hung-cua-em-la-co-giao-hay-nhat-ngan-nhat-cuoc-thi-viet-thu-quoc-te-upu-lan-thu-48-2019.jpg

Một vài bài văn mẫu hay về những "người hùng" là cô giáo khiến học sinh cảm phục và noi theo chính là ý tưởng cho bức thư UPU 2019 của các bạn học sinh (ảnh minh họa trên mạng).

Khi chuyến đò ngang đưa người qua sông, đến bên bờ thì mỗi người một ngả. Con đường của người thầy cũng chỉ dừng lại khi chúng ta cập bến tương lai, thời gian không còn ở bên nhau nhưng kỷ niệm lại là thứ khó có thể lãng quên nhất.

Và những người đã chèo lái con thuyền đưa tôi đi sang sông, người mà tôi quý mến nhất, khâm phục nhất là cô Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6 của tôi.

Hồi đó cô Hạnh nhận lớp chúng tôi khi chỉ còn vài năm nữa là cô về hưu nhưng tấm lòng nhiệt thành của cô khiến chúng tôi chưa từng quên, đó là điều đã cảm động và để lại ấn tượng trong lòng chúng tôi nhất. Cô Hạnh cũng là giáo viên dạy môn Văn và môn Lịch sử cho chúng tôi.

Bài giảng của cô rất độc đáo, không chỉ đơn thuần là những lý thuyết rập khuôn mà dẫn chứng, liên hệ với thực tế đều rất phong phú. Trong lớp học sáng trưng, những tia nắng ấm đầu thu hắt vào, những ý văn cô truyền đạt cho chúng tôi mượt mà và thấm nhuần những giá trị nhân văn, dẫn dắt học trò từ văn chương đến hiện thực cuộc sống.

Bài giảng của cô cứ vang mãi trong những năm tháng học trò của tôi, đôi mắt chuyên chú, sự tức giận, tự hào, xót thương, đồng cảm, yêu mến đều được cô biểu lộ rõ. Sao mà những bài học tưởng chừng khô khan vì phải học thuộc quá nhiều qua lời dẫn dắt của cô lại in sâu và ý nghĩa đến thế.

Và cô Hạnh không chỉ là một giáo viên tốt đối với chúng tôi, mà cô còn là một người với nhân cách tốt, tấm lòng bao dung nhân hậu còn cả sự nhiệt tình trong công việc, tận tình với cả đồng nghiệp. Các cô giáo, thầy giáo khác đến lớp dạy đều nói chúng tôi thật may mắn khi có một cô giáo chủ nhiệm với trái tim ấm áp và nhân hậu như vậy.

Tôi nhận thấy cô Hạnh rất xông xáo trong các hoạt động của trường, lên vùng cao làm từ thiện hay thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ cô đều có mặt không quản nắng mưa. Và đợt tham quan cô có dẫn chúng tôi đi đến một trường kỹ năng sống dành cho các em thiếu nhi khiếm khuyết, chúng tôi được xem văn nghệ các em biểu diễn, tặng kẹo và gửi những món quà nhỏ như đồ quyên góp cho nhà trường. Đó là hoạt động vô cùng ý nghĩa mà chúng tôi được tham gia.

Trong chuyến tham quan đó, tôi bị mệt ngồi ở chỗ nghỉ không đi leo núi được với các bạn, cô có lấy cho tôi chút thuốc ngồi nhìn tôi uống hết rồi mới đi, thật sự rất ấm lòng khi có người quan tâm đến mình như vậy.

Lúc lớp leo xuống núi, có bạn bị trật chân, cô để mấy bạn ngồi lại chăm sóc còn cô xuống để lấy thuốc bôi, lúc trèo lên vì vũng nước mưa hôm trước vẫn còn và rất trơn nên cô cũng bị ngã. Nhìn cô khập khiễng leo lên đưa thuốc bôi cho bạn, còn cô cười bảo không đau lắm đâu cô bôi chút là được, bỗng nhiên thấy có cô dạy dỗ thật là hạnh phúc.

Quãng thời gian dạy chúng tôi, cô còn phải chăm sóc bố cô đang bị bệnh, mãi thời gian sau nghe các bác phụ huynh nói khi cô nghỉ tiết chúng tôi mới biết. Trước mắt chúng tôi, cô vẫn là giáo viên nhiệt huyết, ấm áp, nhưng khi trở về với gia đình, cô là một người con hiếu thuận, hết lòng vì gia đình. Lớp chúng tôi thương cô rất nhiều, vì thế không ai bảo ai, đứa nào đứa nấy đều cố gắng chăm lo việc học, kỷ luật thật tốt để cô không phiền lòng.

Thời học sinh nào chỉ có bạn bè mới có thể làm nên kỷ niệm với nhau đâu, có được sự dạy dỗ và cô đồng hành, thời học sinh của tôi lại càng đáng nhớ và đáng trân trọng hơn nhiều. Trên con đường hướng tới tương lai, có lẽ tôi sẽ gặp gỡ được rất nhiều người đồng hành giúp đỡ mình, thế nhưng hình ảnh về người cô vui tính, hiền hậu và ấm áp ấy cứ mãi in hằn trong tâm trí tôi.

Tôi rất mong một ngày nào đó khi đã lớn lên, trở về trường cũ thăm cô, tình cô trò sẽ vẫn luôn nồng đậm như trước và khi ấy tôi có thể trở thành sự hãnh diện của cô. Để có ai nhắc đến tôi, cô sẽ mừng lòng rằng tâm huyết của mình không uổng phí.

Tôi yêu mến, kính trọng cô Hạnh như một người mẹ thật sự, và ngưỡng mộ cô như một người hùng vậy, người đã hy sinh rất nhiều để rèn dũa cho chúng tôi một nhân cách tốt đẹp.