- Thông thường giang hồ tín dụng đen kèm với nhiều hoạt động phạm pháp khác. Công an xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi liệu có dễ dàng? Luật pháp xử lý hoạt động tín dụng đen như thế nào?

Giang hồ vay nặng lãi có nhiều chiêu lách luật

Theo tìm hiểu, tín dụng đen là hình thức cho vay tiền, nằm ngoài các quy định của hệ thống ngân hàng và quy định của pháp luật về tín dụng, ngân hàng hiện hành. Đa phần bên cho vay và bên vay thỏa thuận miệng với nhau hoặc có giấy tờ nhưng không đúng quy định và lãi suất 2 bên thương lượng rất cao, vượt so với quy định lãi suất của ngân hàng.

Thực tế hiện nay hoạt động tín dụng đen do các băng nhóm, có nhiều hành vi phạm pháp tổ chức. Nhưng để xử lý được các băng nhóm tín dụng đen, liệu có dễ dàng?

{keywords}
Băng nhóm giang hồ Hải Phòng cho vay nặng lãi núp bóng là doanh nghiệp Nam Minh, trụ sở đường Sư Vạn Hạnh, Q.10 vừa bị công an quận triệt phá

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, người phát ngôn của Công an TP.HCM trong những cuộc họp định kỳ gần đây, đều nhấn mạnh, Công an TP.HCM và các quận, huyện đặc biệt quan tâm đến các băng nhóm hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê. Ông Quang phân tích, những băng nhóm này thường chọn các chung cư cao cấp hay thuê nhà riêng biệt ẩn náu. Chúng có nhiều chiêu trò để giăng bẫy nạn nhân, thủ tục đơn giản, ban đầu hứa hẹn cho vay với lãi suất thấp nhưng sự thật phía sau là những chiêu bài từng bước dụ dỗ, đưa các nạn nhân vào tròng.

Thường thì những băng nhóm cho vay nặng lãi đi kèm với các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đại tá Quang cũng nhấn mạnh, các băng nhóm tín dụng đen có nhiều chiêu để lách luật, chúng rất am hiểu pháp luật nên rất là khó trong quá trình thu thập chứng cứ, xử lý.

Trước đây, trong các vụ án liên quan đến các băng nhóm này chỉ tập trung vào việc xử lý các đối tượng khi chúng có hành vi manh động như: cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa giết người…Công an TP.HCM có chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện tăng cường kiểm tra hành chính về nhân khẩu, ở các khu chung cư, nhà thuê, các công ty nghi vấn, các tiệm cầm đồ…để làm hạn chế đất sống của loại hình tội phạm này.

Hiện nay, theo 1 cán bộ đội phòng chống tội phạm có tổ chức thuộc phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM, nhiều băng nhóm tín dụng đen, đòi nợ đều núp bóng dưới mác công ty, doanh nghiệp và người tổ chức có khi dáng vẻ doanh nhân, rất hiểu biết pháp luật.

{keywords}
Nhiều tiệm cầm đồ, nơi thường ẩn náu của tội phạm tín dụng đen bị cơ quan công an đặc biệt quan tâm

Do đó những nhóm này thường đe dọa, uy hiếp nạn nhân bằng lời lẽ rất khéo léo…Còn với những hành vi manh động như: đâm chém hay quậy phá, cưỡng đoạt…thì chúng thường sử dụng những kẻ giấu mặt, rất khó khăn cho công tác điều tra. Thậm chí trường hợp cần thiết có sự manh động để gây áp lực, đòi tiền nạn nhân, chúng huy động đồng bọn từ nơi khác đến gây án rồi rút nhanh, gọn.

Đại tá Quang còn thông tin thêm, hiện các băng nhóm tín dụng đen, hay nghi vấn liên quan đến các hành vi phạm tội khác, có mặt tại địa bàn TP.HCM đều bị giám sát chặt chẽ.

Làm gì để hạn chế, xử lý nạn tín dụng đen?

Giữa năm vừa qua, làm việc với ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch TP.HCM cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng, ngân hàng nhưng không được cấp phép...ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các sản phẩm, dịch vụ tín dụng đến các chợ cấp 1, cấp 2…nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn chính thống, thủ tục không phiền hà, từ đó góp phần hạn chế được vấn nạn tín dụng đen len lỏi trong dân chúng.

Trong cuộc họp báo gần đây, các lãnh đạo Công an TP.HCM nhận định, để hạn chế “bão” tín dụng đen trong dân, ngành công an cần tăng cường các biện pháp kiểm tra hành chính, xử lý các băng nhóm, thậm chí cương quyết xử lý mạnh về hình sự. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ là các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần chung tay, đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ ra các phương thức, thủ đoạn, chiêu trò…của giang hồ tín dụng đen để người dân biết, hiểu mà từ đó tăng cường cảnh giác, không tham gia vay tiền của dân xã hội, từ các nguồn không chính thống.

{keywords}
Luật mới sẽ có nhiều quy định để xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, tín dụng đen thực chất là hình thức cho vay với lãi suất khủng, theo điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005, quy định lãi suất cho vay không được quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định. Hành vi cho vay lãi nặng, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay lãi nặng mà người có hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, mức phạt quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi sẽ bị phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, điều 163 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định, người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm...Tuy nhiên, trên thực tế khó chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” nên ít khi hành vi cho vay lãi nặng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Chánh thông tin thêm, khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực, quy định về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được sửa đổi phù hợp hơn với thực tế, trong đó một trong những căn cứ để xác định hành vi phạm tội là số tiền thu lợi từ hành vi cho vay lãi nặng. Ngoài ra, quy định mới cũng đã thay đổi đối với mức lãi suất, lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự thay vì gấp 10 lần như trước kia. Dựa theo luật mới này, hành vi cho vay nặng lãi sẽ dễ bị xử lý hơn.

Anh Sinh