- Trước thông tin nói trực thăng EC-130 bị rơi khiến 3 sĩ quan không quân hi sinh do thời tiết hay bị không khí hút, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bác bỏ.
Ngày 21/10, Thượng tá Nguyễn Hoàng Tấn - Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, nguyên nhân trực thăng EC-130 T2, số hiệu VN- 8632 bị rơi ở núi Dinh đang được các cơ quan điều tra.
Hiện trường nơi trực thăng EC-130 T2 rơi |
"Có thông tin nói do thời tiết, hay đi vào vùng bị không khí hút làm trực thăng rơi đều không chính xác" – Thượng tá Tuấn khẳng định.
Trước đó, lúc 7h40 ngày 18/10, máy bay trực thăng EC-130 của Trung tâm Huấn luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) Tổng Công ty trực thăng Việt Nam thực hiện bay huấn luyện.
Đến 8h03’ máy bay bị mất liên lạc tại khu vực Tây Bắc núi Dinh, cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25 km.
Thượng tá Tuấn cho hay, khi nhận được thông tin, đơn vị đã triển khai nhiều lực lượng với hơn 400 người để tìm kiếm trên khu vực núi Dinh.
Lúc đầu, máy bay tìm kiếm có phát hiện đuôi trực thăng rơi nhưng khi quay lại thì không còn nhìn thấy nữa.
Ngoài ra, khu vực nghi trực thăng rơi là vùng đồi núi rộng, trên núi không có sóng điện thoại, lại có mưa gió lớn, đường đi rất khó khăn khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Lúc 11h15 ngày 19/10, nhóm tìm kiếm thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phát hiện và tiếp cận được hiện trường nơi máy bay rơi tại khu vực núi Ba Quan (cao 525m, thuộc cụm núi Dinh).
Thượng tá Nguyễn Hoàng Tấn - Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Tại hiện trường rộng chừng 100 m2, một số bộ phận trực thăng bị cháy, nhiều mảnh vỡ văng tung tóe. Lực lượng chức năng đã tìm thấy hộp đen của máy bay EC-130 T2.
Cả 3 chiến sĩ trong tổ bay huấn luyện đã hi sinh là: Đại uý Dương Lê Minh, giáo viên; Trung uý Đặng Đình Duy, học viên và Trung úy Nguyễn Văn Tùng, học viên.
Thượng tá Tấn cũng cho biết, sau khi đưa thi thể 3 sĩ quan xuống núi, lực lượng chức năng vẫn cử người phong toả giữ nguyên hiện trường nơi máy bay rơi.
Hiện đang lên kế hoạch tối ưu nhất để đưa “xác” máy bay xuống núi. Một là có thể sử dụng nhân lực, gồm nhiều lực lượng phối hợp tiến hành khiêng từng phần “xác” máy bay di chuyển xuống núi. Phương án này được lực lượng chỉ huy ưu tiên.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khá vất vả khi phải di chuyển trong điều kiện núi dốc, rừng cây rậm rạp. Nếu thời tiết tốt trong ngày, nhiều người ủng hộ phương án này.
Phương án thứ 2 được tính đến là sử dụng đội máy bay trực thăng để tiến hành cẩu các phần máy bay đã bị rơi, vỡ xuống núi...
Thạch Quý