Không chỉ cứu chữa cho bệnh nhân, nhiều bác sĩ còn sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ, giảm giá điều trị để giúp những người nghèo khó lấy lại sức khỏe. VietNamNet giới thiệu tuyến bài “Tấm lòng của các bác sĩ triệu phú” - đây là những câu chuyện về các bác sĩ trên thế giới nỗ lực bằng mọi cách bao gồm cả công sức, tài năng và gia sản của mình vì người bệnh.
Bác sĩ Sanjay Paithankar đến Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) với dự định kiếm thêm tiền để trở về xây dựng một bệnh viện ở quê nhà Ấn Độ. Tuy nhiên, số phận đã giữ chân ông ở lại vùng đất mới hơn 30 năm qua. Tại UAE, ông đã xây dựng tập đoàn Right Health - hệ thống chăm sóc sức khỏe với chi phí phải chăng cho người dân nơi đây.
“Khi tôi mở phòng khám đầu tiên tại Abu Dhabi, chi phí cho mỗi lần tư vấn là 2,7 USD. Hiện tại, mức giá là 8 USD trong khi các nơi khác thu hơn 50 USD”, bác sĩ Paithankar chia sẻ.
Hơn 30 năm trước, theo Gulf News, vị bác sĩ người Ấn Độ đến UAE khi trong túi chỉ có khoảng 66 USD. Hiện giờ, ông đã là một triệu phú nhưng vẫn không bao giờ quên mục đích chính của mình. “Tôi không đạt được thành công này bằng cách thu viện phí cao mà nhờ số lượng bệnh nhân lớn ở khắp các phòng khám. Tiền thu về sẽ được tái đầu tư và xây dựng những nơi khám chữa bệnh mới chăm sóc cho những người công nhân”, bác sĩ Paithankar tâm sự.
Theo đuổi giấc mơ
Thời còn trẻ, bác sĩ Paithankar muốn xây dựng bệnh viện để cứu chữa cho người dân nhưng ông không thể làm điều đó khi ông chỉ có thu nhập thấp. Bởi vậy, ông quyết định sang UAE để kiếm công việc không bị đánh thuế, dành dụm tiền thực hiện ước mơ của mình.
Ông nhớ lại thời điểm mở phòng khám đầu tiên ở Abu Dhabi: “Đó là bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Tôi nhận ra rằng nhu cầu chăm sóc y tế cho những người lao động rất lớn”.
Nhiều công nhân sống xa các bệnh viện nên họ rất vất vả và tốn kém khi phải đi khám chữa bệnh. Theo National News, nỗi sợ phải nghỉ làm hoặc tốn tiền mua thuốc khiến người lao động không dám đi khám. Họ chỉ đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và đây chính là suy nghĩ mà bác sĩ Paithankar mong muốn thay đổi.
Bác sĩ Paithankar cho biết: “Tôi muốn tiếp cận những người không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc chất lượng và phục vụ họ ngay trước cửa nhà họ”.
Ông còn nhớ một người đàn ông Pakistan nhập viện vào buổi chiều nắng nóng tháng 7: “Những người khiêng bệnh nhân tưởng rằng anh ấy đã chết vì không còn cử động. Anh ấy bị sốc nhiệt nặng”.
Một tuần sau khi bình phục, người đàn ông đó quay lại cảm ơn bác sĩ: “Ông không chỉ cứu mạng tôi mà còn cứu cả gia đình tôi vì không có tôi, họ sẽ không thể trụ vững”.
Từ 100 bệnh nhân mỗi ngày ở phòng khám đầu tiên, tới năm 2019, hệ thống 57 cơ sở của bác sĩ Paithankar đã có tới 2.000 bệnh nhân/ngày và hơn 600 nhân viên y tế.
Tiếng lành đồn xa
“Con đường phát triển của chúng tôi thật kỳ diệu. Không có quảng cáo, tiếp thị. Tất cả nhờ những lời truyền miệng đã đưa bệnh nhân tới các phòng khám. Lý do khiến mọi người đến là chi phí y tế chỉ từ 2,7 USD bao gồm cả khám và điều trị. Tôi có quy định rõ ràng về các loại xét nghiệm không cần thiết. Chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống y tế có đạo đức”, bác sĩ Paithankar bày tỏ.
Dù đã đạt được nhiều thành công nhưng vị bác sĩ 63 tuổi vẫn khiêm tốn: “Là bác sĩ, chúng tôi muốn mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn và đây mới chỉ là khởi đầu. Tôi nghĩ mình là người có ích”. Ông có kế hoạch tiếp tục mở thêm các phòng khám khác tại khu vực Trung Đông.
“Tôi muốn thay đổi cuộc sống của càng nhiều người lao động càng tốt. Nếu họ được chăm sóc tốt, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, bác sĩ Paithankar nói.
Các đối thủ trong lĩnh vực y tế học hỏi cách làm của bác sĩ Paithankar và mở những cơ sở chăm sóc sức khỏe gần khu vực sinh sống của các công nhân. Điều đó dường như không khiến bác sĩ Paithankar bận tâm bởi ông luôn chuyên tâm với mục đích ban đầu của mình.
“Tôi chưa bao giờ chạy theo đồng tiền. Tiền tài đến với tôi bởi tôi cống hiến 100% sức lực cho công việc. Mục tiêu của tôi là cung cấp dịch vụ y tế với chi phí phải chăng cho người lao động mà không ảnh hưởng tới chất lượng điều trị và đạo đức nghề nghiệp. Tôi tự hào vì đã làm được điều đó trong 30 năm qua. Tôi cũng tự hào vì cả đời chưa bao giờ phải vay nợ để phát triển hệ thống của mình”, vị bác sĩ kết luận.