Câu chuyện được ghi nhận trong ngày hội việc làm cho bác sĩ trẻ, lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM. Tại khu vực tuyển dụng của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, bác sĩ Phan Nguyễn Bảo Hân (26 tuổi) là 1 trong 3 người đầu tiên đăng ký.
“Tôi chỉ đăng ký làm việc ở duy nhất Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Khoảng một năm qua, tôi quyết định sẽ đi theo chuyên ngành rất ít người lựa chọn này”, chị nói.
Thời điểm còn là sinh viên y khoa, Bảo Hân đã đi thực tế tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCMa trong 2 tuần. Đây là bệnh viện được xem là “xấu nhất” của thành phố do không gian chật chội, quá tải kéo dài, xuống cấp nặng nề mà không được xây sửa.
“Ở một số bệnh viện được khác, không gian sáng sủa và cảm giác cũng thoải mái. Còn ở Bệnh viện Tâm thần, khi bước vào sẽ thấy nặng nề, căng thẳng. Những ngày đầu tôi bị sốc vì môi trường và người bệnh ở đó”, Hân chân thành chia sẻ.
Cha mẹ của nữ bác sĩ cũng quyết liệt phản đối lựa chọn này của con gái, bởi “thiếu gì chuyên khoa mà chọn ngành vừa nguy hiểm, vừa thu nhập thấp”. Chỉ đến khi nhiều người thân bị trầm cảm và rối loạn lo âu sau đại dịch Covid-19, cha mẹ của Hân mới dần thay đổi thái độ. Hơn nửa năm thuyết phục gia đình, cô đã yên tâm đi theo chuyên khoa đặc biệt này.
“Tâm thần là ngành ít người theo đuổi trong khi rất nhiều người gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Tôi nghĩ mình cần học và nghiên cứu sâu hơn để giúp được người bệnh và chính người thân của mình”, bác sĩ Hân nói.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Xuân Hiển, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trước đây, việc tuyển dụng bác sĩ chuyên ngành tâm thần rất khó khăn, đặc biệt là bác sĩ trẻ. Sau đại dịch Covid-19, người dân đối mặt với hàng loạt vấn đề sức khoẻ tinh thần từ mức độ nhẹ đến nặng. Mối quan tâm với chuyên ngành này cũng tăng dần.
Lý giải nguyên nhân bác sĩ trẻ ít mặn mà, bác sĩ Hiển cho rằng, điều trị bệnh lý tâm thần khác biệt hoàn toàn so với bệnh lý thực thể. Ông ví dụ, bệnh nhân bị viêm ruột thừa nếu cắt ruột thừa sẽ khỏi nhưng người bị rối loạn tâm thần phải điều trị bằng thuốc kết hợp với trị liệu.
Thời gian trị liệu tâm lý ít nhất là 6 tháng. Kết quả không thể đến ngay lập tức mà còn phụ thuộc sự tuân thủ của người bệnh. Không ít bệnh nhân bỏ giữa chừng khi thấy sức khoẻ tạm ổn, cũng có người bỏ trị liệu vì tốn kém tiền bạc.
Ngoài ra, thu nhập thấp cũng là một lý do khiến bác sĩ ngại chọn ngành này.
“Bác sĩ trẻ cần từ 1 đến 3 năm để làm quen với người bệnh tâm thần cũng như môi trường làm việc. Chỉ cần vượt qua 3 năm đầu tiên, chắc chắn họ sẽ gắn bó lâu dài và không rời bỏ”, bác sĩ Hiển tâm sự.
Thiếu nhân lực y tế chuyên ngành tâm thần là vấn đề âm ỉ nhiều năm qua. Ngay tại trung tâm lớn như TP.HCM cũng chỉ có khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần. Số liệu của Tổ chức y tế thế giới cho thấy, Việt Nam chỉ đạt 0,91 bác sĩ tâm thần trên 100 ngàn dân, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Còn theo Bộ Y tế, cả nước có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Dịch vụ tâm lý lâm sàng cũng chưa phải là dịch vụ chính thức được Bảo hiểm y tế chi trả nên các nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên.
Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy có 61,3% bệnh viện huyện/trung tâm y tế tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh tâm thần, nhưng chỉ có 9,1% điều trị nội trú cho người bệnh tâm thần. Điều này cho thấy khoảng trống lớn về điều trị rối loạn tâm thần ngay tại tuyến quận, huyện.
Trong khi thực tế, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, tương đương với khoảng 15 triệu người. Trong đó, tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm đến 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh, chậm phát triển tâm thần, mất trí tuổi già, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, lạm dụng rượu, ma tuý...