22h ngày 26/10, Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ nhận được điện thoại từ đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh, Hà Giang đề nghị hỗ trợ vận chuyển một bé trai 7 ngày tuổi bị suy hô hấp, theo dõi tim bẩm sinh và đang trong tình trạng vô cùng nguy hiểm.
Đã quen với những cuộc gọi khẩn cấp, 15 phút sau, BS Thảo, khoa Nhi cùng 3 đồng nghiệp khác gồm điều dưỡng nhi, điều dưỡng hồi sức cấp cứu, chuyên viên cấp cứu ngoại viện và 1 tài xế dày dạn kinh nghiệm lên đường, mang theo máy thở, monitoring, bơm tiêm điện…thuốc và cả sữa, máy sưởi.
Cả ekip cũng không kịp chuẩn bị đồ ăn chu đáo, ngoài mấy chai nước lọc, vài cái bánh mỳ.
Quãng đường từ Bệnh viện Hùng Vương đến Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Minh dài gần 300km như ekip phải mất hơn 9 tiếng đồng hồ mới có thể vượt qua.
BS Thảo cùng ekip chăm sóc bé trên chặng đường trở về
Chia sẻ với VietNamNet, BS Thảo cho biết, đêm ngày 26/10, trời mưa lớn, qua TP. Hà Giang đường bắt đầu ngập sương mù, trong khi chặng từ Quản Bạ lên Yên Minh liên tục đổ đèo, nhiều khúc cua tay áo, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, chi một chút sơ sẩy, cả chiếc xe sẽ lao xuống vực bất cứ lúc nào.
“Tôi vẫn thường xuyên tham gia vận chuyển bệnh nhi sơ sinh nhưng đây là lần đầu tiên trải qua chuyến đi nghẹt thở như thế này. Sương mù dày đặc đến nỗi xe không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì. Đang lên dốc, bác tài xế phải dừng xe để dò đường”, BS Thảo nhớ lại.
Dọc chặng đường lên Yên Minh, ekip trong xe không ai dám chợp mắt. Khi mệt quá, cả đoàn chỉ dám dừng xe 5 phút để nghỉ, uống nước, ăn tạm miếng bánh mỳ rồi lại đi tiếp cho kịp giờ.
Hơn 7h sáng 27/10, ekip vận chuyển có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Minh. Bé trai 7 ngày tuổi người dân tộc đang được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh. Cháu bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ nặng 3,6kg, sau sinh bé bị suy hô hấp, dị tật xương đùi, theo dõi tim bẩm sinh.
7h30, xe bắt đầu chuyển bánh về Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, và cũng bắt đầu từ đây một cuộc chiến vô cùng cam go, căng thẳng, quyết liệt chính thức bắt đầu.
BS Thảo cho biết, thời điểm 9h sáng, trời vẫn dày đặc sương mù. Trong khi bác tài xế căng mắt căn đường, ekip y bác sĩ trên xe cố duy trì oxy cho bé bằng mọi cách. Thỉnh thoảng bé lên cơn khó thở, tím tái, phải thực hiện cấp cứu hồi sức. Cuộc chiến cứ thế kéo dài suốt hành trình 300 km.
May mắn, tình trạng của bé mỗi lúc một tốt lên, độ bão hoà oxy trong máy có lúc lên tới 90%, trong khi thời điểm tiếp nhận chỉ duy trì ở mức 70-80%.
15h30, ekip cấp cứu về đến Bệnh viện Hùng Vương sau hành trình 17,5 giờ căng thẳng. Dù tất cả đều phờ phạc, kiệt sức nhưng ánh mắt cả ekip ánh lên niềm hy vọng khi đưa bé về an toàn.
Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển hồi sức tích cực, siêu âm tim, chụp X-quang tim phổi và hội chẩn trực tuyến với chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương để đánh giá sức khoẻ trước khi tiếp tục vận chuyển trẻ về Hà Nội lúc 18h cùng ngày. Chỉ đến lúc này, cả ekip mới có một bữa ăn đủ đầy, trọn vẹn.
Theo BS Thảo, sau 2 ngày điều trị tích cực, hiện cháu bé đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất và đang được chăm sóc đặc biệt để điều trị tình trạng hô hấp, nhiễm trùng.
Cũng trên cung đường Phú Thọ - Yên Minh, vào đầu năm nay các y bác sĩ cũng đã vận chuyển, cấp cứu thành công em bé nặng 0,8 kg về Hà Nội an toàn nên mọi người đặt tên đây là cung đường hạnh phúc.
Thúy Hạnh
Hành trình giải cứu thai nhi bị phá bỏ ở tuần thai 31
Nhóm tình nguyện đã phát hiện ra thai nhi ở một điểm tập kết rác cách Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khoảng 4km.