"Bác sĩ" máy tính việc gạt ra không hết

Virus càng lan truyền rộng, các "Bệnh viện máy tính" hay ICT Clinic càng có nhiều việc làm không xuể.

Vài tháng trở lại đây, dịch vi rút nội hoành hành trên các phòng chát của Yahoo!Messenger khiến hàng chục ngàn máy tính ở Hà Nội lâm bệnh nặng. Các "Bệnh viện máy tính" đã đón tiếp nhiều "bệnh nhân" là nạn nhân của đại dịch vi rút nội này. "Bác sĩ máy tính" đang phải căng sức để điều trị cho nhiều bệnh nhân nội trú…

Không có ngày nghỉ

Ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi có mặt tại "Bệnh viện máy tính", Phòng 704, toà nhà N2E, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính và chứng kiến ngày làm việc tất bật của những "bác sĩ máy tính" tại đây. Chưa đầy 30 phút đã có tới hàng chục cuộc điện thoại gọi đến yêu cầu nhân viên của bệnh viện máy tính đến diệt vi rút. Đó là Công ty Vĩnh Phát (số 2F, Quang Trung), Công ty cổ phần xây dựng và xử lý nền móng Đô Thành (số 2, ngõ 121, Thái Hà), Công ty quảng cáo báo chí truyền hình VN (P1401 B, cao ốc M3, Nguyễn Chí Thanh), Công ty cổ phần xi măng Thăng Long (số 105, Láng Hạ)… Sau khi "bác sĩ" đi trị bệnh, một số máy tính đã được mang về cho "điều trị nội trú" do đều bị nhiễm vi rút từ phòng chát của Yahoo! Messenger. Đó là máy tính của sinh viên trường ĐH Dân lập Phương Đông, sinh viên Học viện Hành chính QG và một sinh viên khoa Du lịch, Viện ĐH Mở HN. Sau khi "bắt mạch", ghi phiếu, vào sổ sửa chữa, "bác sĩ" Đỗ Đình Phong chuyển cho chuyên viên sửa máy xem xét và điều trị. Theo anh Phong, một máy bị chết ram (do chạy 2 ram 128 cùng một lúc), một máy bị mất toàn bộ file dữ liệu - máy này buộc phải "nhập viện" theo chế độ "nội trú" để các "bác sĩ" chuyên khoa cho sửa chữa, phục hồi lại dữ liệu đã bị mất.

Giám đốc Bệnh viện máy tính quốc tế MQM Nguyễn Minh Quyền cho chúng tôi biết: "Hiện nay, đội ngũ "y, bác sĩ" của "Bệnh viện" là 18 người, nhưng không đủ để chữa trị, bệnh viện buộc phải tuyển thêm hơn 40 cộng tác viên là những sinh viên khoa CNTT của các trường ĐH. Bệnh viện máy tính MQM đã thiết lập hệ thống hoạch định cùng khách hàng chương trình chăm sóc và bảo vệ máy tính thường xuyên định kỳ 2 lần/tháng. Khi gặp trục trặc, đội cứu hộ máy tính MQM sẽ có mặt kịp thời 24/24 giờ để chữa trị. Trong trường hợp phải mang đi sửa chữa và điều kiện cho phép, bệnh viện sẵn sàng cho mượn thiết bị để công việc của khách hàng không bị gián đoạn…".

Dạo quanh các "Bệnh viện máy tính khác" trên địa bàn Hà Nội như bệnh viện máy tính Việt - Nhật (số 49 Khương Thượng), Công ty TNHH Thương mại CNTT Tây Đô (số 10 Phạm Hồng Thái), Trung tâm sửa chữa máy tính TLC (số 65 Hoa Bằng), cửa hàng sửa chữa, cài đặt phần mềm An Hải (Đông Ngạc, Từ Liêm)… đều tấp nập khách hàng.

Sẽ khan hiếm "bác sĩ máy tính"?

Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu về nghề sửa chữa, chẩn đoán hỏng hóc máy tính ngày càng tăng. Nghề này không quá khắt khe ở đầu vào, chỉ cần học viên tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, trình độ Anh văn tương đương chứng chỉ A, đã qua lớp đào tạo cơ bản về sửa chữa điện tử - tin học là có thể "hành nghề" với tên gọi "bác sĩ máy tính". Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật những công nghệ mới, cũng như sự biến đổi liên tục thị hiếu của người tiêu dùng. Và phẩm chất quan trọng nhất là người làm nghề phải có lòng đam mê CNTT.

Ông Trương Hữu Tài, Giám đốc đào tạo VSIC Computer Shool - một trong những nôi đào tạo ra những "bác sĩ máy tính" có uy tín cung cấp cho các trung tâm, bệnh viện máy tính cho biết: "Công việc đơn giản nhất và thường gặp nhất của một bác sĩ máy tính là lắp ráp, cài đặt, chẩn đoán, khắc phục các sự cố phần cứng; Sửa chữa hỏng hóc phần mềm; Quản trị mạng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hỗ trợ kỹ thuật cho người sử dụng máy tính; Tư vấn về thiết bị máy tính cho khách hàng… Các học viên đã theo học phải có tư duy phù hợp với ngành nghề và phải có đam mê…".

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), cả nước hiện nay có khoảng hơn 15.000 nhân sự đang trực tiếp lao động trong lĩnh vực phần mềm, trong đó, đa phần là cử nhân CNTT. Chỉ có một số lượng rất nhỏ cử nhân CNTT tham gia trực tiếp trong lĩnh vực sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng máy tính tại các "bệnh viện máy tính". Chính vì vậy, "Bác sĩ máy tính" sẽ khan hiếm trong thời gian tới.  Để có thể đáp ứng đủ nhu cầu về "bác sĩ máy tính", đòi hỏi trước hết phải giải quyết xong "cơn khát nhân lực phần mềm" hiện nay mà doanh nghiệp phần mềm nào cũng gặp phải.

Trọng Hoàng

(19/10/2006)