Bác sĩ, nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc vừa ra mắt tạp bút Để làm gì - cuốn sách dày hơn 400 trang gồm các bài viết về kỷ niệm với bạn văn, bạn thơ cùng các câu chuyện tản mạn trong cuộc sống của tác giả. Với tựa sách đặc biệt này,  tác giả Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ, đó là xuất phát từ câu nói của André Maurois, rằng “khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý Để làm gì, lúc đó mình đã già thật rồi”.

{keywords}
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ký tặng sách độc giả.

Từ ý của Maurois về “nghệ thuật già” ấy, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thú nhận rằng lâu nay ông biết mình già nhưng quả thật ông vẫn đang nghĩ là mình đang “già giả” thôi. Tác giả 80 tuổi vừa cảm nhận tuổi già của chính mình, vừa lục soạn lại mớ gia tài bấy lâu nay trong ý niệm thường trực “để làm gì”, rồi gạn lọc lại, hình thành thêm một quyển sách nữa, chính là những trang sách dẫn bạn đọc theo bước ông về lại không gian sống của nhiều “cảnh giới”.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có cách kể chuyện như sực nhớ lại chuyện hay ho của chính mình, tiện chỗ bạn bè nên kể lại cho vui, vậy mà người đọc bị cuốn theo lúc nào không biết, đọc như sợ hết mất quyển sách, đọc “dè sẻn” để tìm lại chính mình trong đó.

{keywords}
"Để làm gì" được NXB Tổng hợp TP HCM phát hành.

Có những bài đầy chất thơ, xen kẽ với mọi đề tài viết theo ngẫu hứng, những bài cảm nhận về các tác giả, mà loại nào cũng được viết dưới lăng kính thơ mộng để chuyển tải những suy nghĩ uyên bác một cách thâm trầm, nhẹ nhàng. Đó là điểm đặc biệt của bút pháp Đỗ Hồng Ngọc.

Đỗ Hồng Ngọc (bút hiệu Đỗ Nghê), sinh năm 1940. Trước khi làm bác sĩ chuyên khoa nhi, Đỗ Hồng Ngọc đã là thi sĩ với các bài thơ cộng tác trên báo. Các tác phẩm của ông khai thác đa dạng đề tài. Tập thơ tiêu biểu: Tình Người (1967), Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010). Tạp văn, tạp bút như Gió heo may đã về (1997), Về thu xếp lại (2019). Ông viết về y học phổ cập trong Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972)...

 

Tình Lê

MC VTV nói 7 thứ tiếng chia sẻ đam mê học ngoại ngữ

MC VTV nói 7 thứ tiếng chia sẻ đam mê học ngoại ngữ

Khánh Vy từng gây bão mạng với clip nói theo 7 thứ tiếng: Thái, Hàn, Trung, Nhật, Anh, Ý, tiếng Việt (tiếng miền Nam, tiếng miền Bắc, tiếng miền Trung).