
Đủ kiểu chửi bới, làm rối tình hình khi người nhà cấp cứu
Ngày 27/4, trên mạng xã hội lan truyền clip các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) cố gắng ép tim cứu bệnh nhi trong lúc người nhà la hét, chửi bới, đấm đạp nhân viên y tế. Bé trai 12 tuổi bị tai nạn giao thông dẫn tới xuất huyết não. Khi tiêm kháng sinh, trẻ xuất hiện các biểu hiện sốc phản vệ, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt và rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn.
Ê-kíp trực đã lập tức hồi sức tim phổi cấp cứu sốc phản vệ, báo động cấp cứu toàn viện. Trong khi các thầy thuốc đang nỗ lực ép tim cho trẻ thì người nhà đứng quanh giường bệnh, liên tục kêu gào, công kích, chửi bậy, cản trở các y bác sĩ.
Dù vậy, các nhân viên y tế vẫn nỗ lực cấp cứu giúp bệnh nhi tỉnh lại, gọi hỏi biết, huyết áp ổn định. Sau 20 phút, bệnh nhân tỉnh táo, thở oxy qua gọng kính, có thể giao tiếp bình thường.
Đáng nói, đây không phải là lần hiếm hoi các bác sĩ cấp cứu phải đối mặt với thái độ thiếu tôn trọng của người nhà bệnh nhân.
Bác sĩ P.H.T. (từng công tác tại khoa cấp cứu của một bệnh viện ở TPHCM) đã phải nghỉ việc ở đây bởi ám ảnh với thực trạng trên. Trong lần cấp cứu cho bệnh nhân ngừng tim đang rất căng thẳng, bất ngờ bác sĩ T. bị một người đàn ông lôi áo bắt khâu vết thương cẳng tay cho người nhà (đã được giảm đau, kết quả chụp phim ghi nhận không gãy tay). Người này còn đe đọa gọi lãnh đạo đòi đuổi việc bác sĩ T.
Một lần khác, bé gái 10 tuổi được đưa vào cấp cứu vì hóc xương cá, biểu hiện bình thường, không khó thở. Trong khi nhân viên y tế liên hệ khoa tai - mũi - họng để gắp xương nhưng phải chờ 30 phút, dù được giải thích nhưng bố của bệnh nhi vẫn khăng khăng đòi cấp cứu ngay, lấy điện thoại ra quay, thậm chí lao vào bóp cổ bác sĩ dọa nạt.
“Bảo vệ bệnh viện phải đến can ngăn nhưng người đàn ông đó vẫn thách thức chúng tôi: Sẽ đánh chết nếu bước chân ra khỏi bệnh viện”, bác sĩ T. nhớ lại.

Bác sĩ T. cũng từng chứng kiến một đồng nghiệp bị người nhà bệnh nhân dùng dao bấm đâm. Hôm đó, người bệnh muốn đi tiểu nhưng suy hô hấp nặng, đang thở oxy mask nên điều dưỡng đưa dụng cụ vệ sinh tới tận giường. Tuy nhiên, người nhà không đồng ý nên chửi bới, dùng dao bấm làm bị thương nhân viên y tế.
Theo bác sĩ T, khi vào cấp cứu, các gia đình đều lo cho bệnh nhân nhưng họ không biết rằng việc gây rối đã đe dọa tính mạng người khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng và mất đi thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân.
Những chuyện trái khoáy của nghề y
Sau khi xem xong video về vụ việc ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phó Giáo sư Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp Trường Đại hoc Y Dược TPHCM nhận định, các nhân viên y tế đã tập trung cứu bệnh nhi nhưng chắc hẳn trong lòng đều lo lắng, áp lực. May mắn, bệnh nhi được cấp cứu thành công.
“Tôi từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện như vậy khi làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), người nhà đưa bệnh nhân vào cấp cứu và ở lại theo dõi tình hình. Có người sẵn sàng lao vào tấn công nếu cảm thấy nhân viên y tế không làm theo ý mình”, bác sĩ Nam nói.
Theo bác sĩ Nam, nghề y có những chuyện trái khoáy, một số bệnh nhân nghĩ trả tiền đầy đủ nên việc chữa bệnh là nghĩa vụ bắt buộc của y bác sĩ. Chuyện chào hỏi, cư xử của họ đôi lúc thiếu tình cảm. Khi cần nhờ vả, họ niềm nở, nhiệt tình; diễn biến xấu là sẵn sàng chửi bới, lăng mạ, đánh đấm nhân viên y tế.
Tuy nhiên, các y bác sĩ vẫn tiếp tục công việc với động lực duy nhất là cứu chữa thêm nhiều người.
Tại các quốc gia khác, khi người bệnh vào khu cấp cứu, tất cả người nhà đều ở ngoài. Tại Việt Nam, một số bệnh viện không cấm thân nhân vào khu vực này dẫn tới câu chuyện bạo hành nhân viên y tế. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đã yêu cầu người nhà bệnh nhân ra khỏi khu vực cấp cứu, nhưng họ cũng không chấp hành.
Bác sĩ Nam cho rằng, các cơ sở y tế cần có biển báo không cho người nhà đi vào phòng cấp cứu; khi tình hình bệnh nhân ổn định, gia đình có thể vào chăm sóc.
Theo bác sĩ Nam, sốc phản vệ do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá với những chất đưa vào cơ thể từ thức ăn tới các loại thuốc, côn trùng đốt. Tình trạng này có thể xảy ra với bất kỳ ai và tại tất cả cơ sở y tế. Đây là tình trạng cực kỳ nghiêm trọng, có thể chặn đường thở, làm tim ngừng đập nên đòi hỏi cấp cứu nhanh chóng tránh nguy hiểm cho bệnh nhân. |


