Mùa hè – mùa viêm não, viêm màng não

Viêm não và viêm màng não là bệnh lý rất nặng, tỉ lệ tử vong và di chứng rất lớn nếu không được điều trị kịp thời.

Mỗi năm, BV Nhi TƯ tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi mắc 2 bệnh lý nói trên, hiện tại, đang có khoảng 30 bệnh nhi phải nằm viện điều trị, nhiều trường hợp nặng phải thở máy, hồi sức tích cực.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TƯ biết, viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, hib và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli...

Khi đó, màng ngoài của não sẽ bị vi khuẩn tấn công, tỉ lệ tử vong khi mắc viêm màng não lên tới 50% nếu không được điều trị. Trường hợp được chẩn đoán sớm trong 24-48 giờ đầu, tỉ lệ tử vong còn 8-15%. 

{keywords}
Bệnh nhi 12 tuổi bị viêm não đang điều trị tại BV Nhi TƯ. Ảnh: T.Hạnh

 

Tuy nhiên tỉ lệ để lại di chứng về thần kinh, vận động khá lớn, chiếm 10-20%. Tuổi càng nhỏ, tiên lượng càng xấu.

Theo thống kê của BV Nhi TƯ, tỉ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị. Và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ  dưới 5 tháng tuổi.

Trái lại, viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động.

Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu quai bị... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.

Cả viêm não và viêm màng não đều mắc quanh năm, tuy nhiên bệnh hay xảy ra vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 - 8.

Dấu hiệu sớm cha mẹ cần lưu ý

ThS.BS Đào Hữu Nam, Phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực, Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ cho biết, ở giai đoạn muộn, viêm não và viêm màng não đều có các triệu chứng thần kinh giống nhau như lờ đờ, kích thích vật vã, co giật, hôn mê...

Tuy nhiên ở giai đoạn sớm viêm não, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu sớm. Nếu sốt cao uống hạ sốt không đỡ, trẻ kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ cần đưa vào viện ngay. Với viêm não do virus tay chân miệng, trẻ có thể xuất hiện các bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay các chấm hoại tử.

Với viêm màng não, ngoài sốt cao, trẻ có thể cứng cổ, nếu còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.

BS Nam lưu ý, cha mẹ không nên cố giữ trẻ ở nhà điều trị dẫn đến hôn mê, co giật mới đưa đến viện, lúc đó đã ở giai đoạn muộn, dễ để lại di chứng nặng nề.

BS Nam cho biết, đến nay điều trị viêm não khó khăn, do chủ yếu điều trị triệu chứng, bệnh nhân đến muộn thường bị phù não nặng.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ chia sẻ thêm, các bệnh viêm não, màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm, với các biểu hiện lâm sàng giống các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn.

Tuy nhiên cũng có trẻ cũng không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, ban đầu trẻ có thể chỉ quấy khóc, rên rỉ, hay nhìn ngược, hay trớ, chán ăn... Do đó việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn. 

{keywords}
Chọc dịch não tủy là cách chính xác để phát hiện trẻ có bị viêm não, viêm màng não hay không


Vì vậy, khi nhập viện, bác sĩ cần theo dõi bệnh nhi rất kĩ, khám trực tiếp xem trẻ có bị cứng cổ, cứng gáy, cứng cơ.... để quyết định chọc dịch não tủy – đây là cách chính xác nhất để chẩn đoán viêm não, viêm màng não.

Nhiều cha mẹ lo lắng chọc dịch não tủy sẽ ảnh hưởng đến con, tuy nhiên TS Lâm cho biết, bác sĩ sẽ chọc thắt lưng lấy dịch não tủy, đây là phương pháp đơn giản, hầu như không có biến chứng.

Theo TS Lâm, thực tế có nhiều ca chuyển lên BV Nhi TƯ chỉ theo dõi viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết với các triệu chứng như sốt thông thường nhưng khi chọc dịch não tủy, kết quả lại khẳng định viêm não.

Có bệnh nhi 5 ngày tuổi đi khám, bác sĩ khám thóp không phồng, họng hơi đỏ, trẻ quấy khóc, bác sĩ cho điều trị kháng sinh 5 ngày vẫn không đỡ. Trẻ lại quay lại khám, siêu âm thóp vẫn bình thường, tiếp tục cho kháng sinh thêm 5 ngày, nhưng trớ nhiều hơn. Khi đến BV, kết quả siêu âm lại phát hiện não thất đã bị giãn. Kết quả chọc dịch não tủy khẳng định bị viêm não.

Cách phòng ngừa

PGS Điển cho biết, hầu hết những trẻ mắc viêm não, viêm màng não từ các căn nguyên đã có vắc xin chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

Riêng viêm não do virus tay chân miệng (đứng thứ 3 sau viêm não Nhật Bản, Herpes), dù chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng vẫn có thể phòng ngừa nhờ vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng do nguyên nhân gây bệnh liên quan trực tiếp đến đường phân, miệng.

Theo đó, cha mẹ cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ, thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, các chất xuất tiết của trẻ phải được thu gom...

Việc tiêm vắc xin để ngừa bệnh khá hiệu quả. Tuy nhiên 1 vắc xin chỉ phòng được 1 bệnh viêm não hoặc màng não.

Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do HIB, vắc xin viêm màng não do mô cầu type A, C, vắc xin ngừa phế cầu...

Riêng vắc xin viêm não Nhật Bản cần tiêm đủ 3 mũi lúc trẻ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 7-14 ngày, mũi 3 cách mũi 2 một năm, sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại đều đặn cho đến khi trẻ 15 tuổi.

Ngoài ra để tránh viêm não thứ phát, các bậc cha mẹ cũng nên cho con tiêm phòng đầy đủ các bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, cúm...

Thúy Hạnh

Cha mẹ lưu ý, nhiều trẻ mắc cúm bị viêm não nguy kịch

Cha mẹ lưu ý, nhiều trẻ mắc cúm bị viêm não nguy kịch

- Số bệnh nhi bị biến chứng viêm não do cúm mùa H1N1 từ đầu năm đến nay tăng đột biến.