Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết khoa vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân tên T. (51 tuổi) vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao, nói lẫn.

Người đàn ông này mắc bệnh đái tháo đường type 2 khoảng 10 năm và đã bị cắt cụt 1 ngón chân do nhiễm trùng vào tháng 4. Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn 4 loại thuốc, bao gồm 2 mũi tiêm insulin. Về nhà, ông T. chỉ uống 1 loại và sử dụng 1 loại thuốc đái tháo đường tự chế. Bệnh nhân còn bị tăng huyết áp, không uống thuốc nhưng mỗi ngày uống 500ml rượu.

TS Nguyễn Quang bay.png
Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy chia sẻ về bệnh đái tháo đường. 

Gần đây, bệnh nhân giẫm phải đinh, bàn chân sưng phồng lên. Ông T. không đi khám bác sĩ mà tự chích rạch chân và đắp thuốc lá. Sau 2 tuần, ông mệt nhiều, sốt cao liên tục, nói lẫn nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

Tiến sĩ Bảy cho biết nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, bàn chân nhiễm trùng, chảy nhiều mủ thối và đã viêm xương, chỉ số đường huyết là 21,6 mmol/L.

Theo chuyên gia này, người bệnh biểu hiện nặng có thể ảnh hưởng tới cả tính mạng nhưng ý thức phòng bệnh và tuân thủ đơn thuốc kém. Đây là thói quen nhiều người đang gặp phải, có thể trả giá bằng cả tính mạng.

Trong số các biến chứng mạn tính của đái tháo đường, loét bàn chân và cắt cụt chi là những nguyên nhân trực tiếp đe dọa sức khỏe và tâm lý bệnh nhân đồng thời gây ảnh hưởng nặng nề đến gia đình và toàn xã hội.

Bác sĩ Bảy lưu ý người bệnh đái tháo đường khi phát hiện bất kỳ một tổn thương nào ở bàn chân cần đi khám chuyên khoa nội tiết ngay, để được kiểm soát toàn diện cả đường huyết, cấp máu đủ cho vết thương, cắt lọc dẫn lưu mủ và sử dụng kháng sinh phù hợp. Nhiều người chủ quan thấy vết loét rất nhỏ tự điều trị sẽ bị lan rộng, khó liền và phải cắt cụt chân.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), mỗi giờ có thêm hơn 1.000 ca mắc mới, cứ 8 giây có 1 người chết do đái tháo đường. Hiện nay trên toàn thế giới, có hơn 425 triệu người đang sống chung với căn bệnh này. Chi phí y tế điều trị đang trở thành gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và toàn xã hội.

IDF cho biết 90% số bệnh nhân type 2 có thể phòng ngừa được bằng thay đổi lối sống, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng và chế độ ăn.