Những câu chuyện cảm động hay phẫn nộ đều có thể tìm thấy đâu đó trong các bệnh viện. Đáng nói là những câu chuyện này khó có thể cải thiện nếu chỉ  kêu đòi lương tâm và lòng tự trọng.

LTS: Đã từ lâu, người dân  ca thán và không hài lòng với chất lượng dịch vụ y tế, với sự quá tải trong các bệnh viện, với quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân. Những vụ việc liên quan đến ngành Y thường xuyên được đăng tải trên khắp mặt báo. Với trách nhiệm thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam khởi đăng loạt bài bàn về những câu chuyện này và gợi mở hướng xử lý. Mời quí vị độc giả cùng theo dõi.

Nhìn từ phía bệnh nhân

Nhiều người khó tính đã ví von dịch vụ Y tế Việt Nam giống bộ phim truyền hình dài tập ‘Cô dâu 8 tuổi’, kéo lê từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác với những nút thắt, dù đã cố gắng nhưng không hiểu sao gỡ vẫn không xuể: quá tải, năng lực, tiêu cực.

Cách đây gần một tháng, dư luận rùng rùng cảm động, chia sẻ với một bác sĩ ở Hà Giang, người đã đứng ra quyên tiền, đánh động lòng trắc ẩn của người dân chung tay giúp đỡ một ca bệnh nghèo khó.

Điều gì thôi thúc vị bác sĩ làm vậy, nếu không vì trách nhiệm chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Dù nỗ lực của ông thất bại, cặp trẻ sau đó đã mất, nhưng hành động của vị bác sĩ truyền đi thông điệp: Sống Tử Tế.

{keywords}
Quá tải bệnh nhi tại Khoa nhi tổng hợp bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh minh họa: hanoimoi

Ai cũng hiểu, công việc của nhân viên y tế cũng chứa đầy rủi ro bất trắc. Vừa rồi, một bác sĩ ở bệnh viện Việt Đức do tắc trách đã mổ nhầm chân cho bệnh nhân. Sự nghiệp của bác sĩ và sức khỏe của bệnh nhân đã có một khúc ngoặt không vui.

Với những chuyện do tắc trách thì không cần phải nói thêm. Nhưng có những vấn đề bệnh nhân bị thiệt hại do thủ tục rườm rà, nguyên tắc cứng nhắc thì lại rất cần phải nói tiếp.

Vừa mới đây, sáng ngày 29/7, Báo Tuổi Trẻ và VTC đưa tin về trường hợp một đứa trẻ đã tắt đi sự sống bởi những vấn đề của người lớn. Theo đó, bệnh nhi này được đưa vào được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Tịnh Biên (An Giang) cấp cứu. Bệnh viện yêu cầu gia đình làm một chuỗi những thủ tục nhập viện. Do ca bệnh nặng cần cấp cứu ngay, do những thủ tục quá rườm rà bé đã không đợi được.

Quá đau lòng! Vì đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bạn có thể ghi nhận ở mọi bệnh viện.

Không ít lần, báo chí phản ánh về chuyện người bệnh phải nằm chơ vơ khi người nhà chưa đến kịp, chưa kịp nộp viện phí hay những thủ tục bắt buộc tương tự.

Những mất mát liên quan đến sinh mệnh con người do thủ tục hành chính như ví dụ trên thường dễ khiến dư luận oán hờn, nổi giận và thậm chí qui trách nhiệm sang y đức.

Những nút thắt này do chúng ta dựng lên, nếu thấy không phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh lại cho phù hợp.

Nhìn từ phía bệnh viện

Bệnh viện cũng có cái lý của bệnh viện.

Mới đây, giám đốc BV Đa khoa Khánh Hòa cực chẳng đã phải lên báo kêu trời về chuyện kháchdu lịch TQ vào bệnh viện chữa bệnh rồi quỵt tiền viện phí… để lại gánh nợ lên quỹ công bệnh viện.

Đồng cảnh ngộ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện  Bạch Mai, đã than trên trang cá nhân thế này: “Bệnh nhân vào viện cung cấp địa chỉ giả. Dỗ dành các kiểu vẫn không cung cấp số điện thoại người thân. Đến lúc quá nặng vẫn kiên quyết: Tôi sống nhờ bệnh viện chăm sóc, chết nhờ bệnh viện chôn. Nhờ công an tìm liên lạc của người thân, gọi ai nghe xong cũng cúp máy.  Bệnh nhân bình thường đã vất vả. Bệnh nhân này càng khổ vì hồ sơ phải chặt chẽ từng tý vì chả biết sau khi bệnh nhân chết người nhà ấy có đến kiện cáo tống tiền không. "Như vậy làm sao tôi có thể yêu thương con người".

Một đồng nghiệp của bác sĩ Cấp kể: “Để bình yên, tôi cấp cứu bệnh nhân kể cả không có tiền. Tôi cho họ viết giấy nợ - một tờ giấy ko có tính pháp lý chỉ để họ nhận thức được họ có một khoản tiền cần phải trả. Nếu đến hạn viết trong giấy, họ không trả được, tôi sẽ bỏ tiền túi của tôi. Tôi làm điều này cả trăm lần trong nhiều năm qua, mà chưa lần nào phải thực sự bỏ tiền của mình ra cả. Họ vội đi cấp cứu không mang tiền nhưng sau đó bằng mọi cách họ nộp lại được viện phí vì họ sợ liên luỵ đến tôi, quan trọng hơn họ giàu lòng tự trọng.”

Để không còn phải tốn giấy mực và tốn thời gian cò kè chuyện “lương tâm” – “lương tháng” hay cứ phải bàn mãi chuyện đạo đức ngành Y, xem ra chẳng có cách gì hay hơn việc nghiêm túc nhìn lại những câu chuyện này và cùng nhau gỡ bỏ những nút thắt đang "bó chân, bó tay" ngành Y.

Hoàng Hường