Ngày 19/1/2022, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đây cũng là địa phương cuối cùng của tỉnh Bắc Ninh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Bắc Ninh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tất cả các đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện, có 9 xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Sau chặng đường hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Bắc Ninh có nhiều thay đổi. Theo đó, đời sống của nhân dân không ngừng nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP được đẩy mạnh; toàn tỉnh có 93 sản phẩm được công nhận, trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao và 59 sản phẩm đạt 4 sao.
Tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện rõ rệt…
Từ năm 2021, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt 100% (bình quân cả nước là 88,6%); tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước theo Quy chuẩn QCVN 01 của Bộ Y tế là 80,3% (bình quân cả nước là 51%).
Hiện, hệ thống cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được đầu tư xây dựng ở tất cả các xã, với tổng số hơn 50 công trình. Các công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh cơ bản hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nguồn nước sạch.
Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu mỗi huyện, thị xã có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu); mỗi xã có ít nhất một thôn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Gia Bình và huyện Lương Tài đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với quan điểm chỉ đạo: "Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước; tỉnh Bắc Ninh xác định trong giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới phải gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.
Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho hay, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ chỉ đạo các xã tổ chức rà soát, đánh giá, đối chiếu kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định.
Đồng thời, rà soát, xây dựng lộ trình huyện, xã chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoàn thành mục tiêu của chương trình trên địa bàn.
Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn và đô thị. Đối với cấp xã, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình bảo đảm bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi ở các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao; khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại các địa phương. Hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao hoàn thiện, bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững.
Ngoài nguồn vốn tỉnh hỗ trợ, các địa phương cần chủ động huy động nguồn lực thực hiện chương trình (vốn huyện, xã; doanh nghiệp hỗ trợ), vận động con em xa quê, người dân sinh sống trên địa bàn tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể.
Đặc biệt, các địa phương tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; thúc đẩy công tác quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp, làng nghề, chất thải rắn và nước thải sinh hoạt; hình thành các mô hình sản xuất sinh thái, an toàn với môi trường...