Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng thành công Chính quyền điện tử vào năm 2018, từng bước xây dựng mô hình thành phố thông minh, hướng tới xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh quan tâm là công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin (ANTT).

Theo Cổng thông tin Sở TT&TT Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Hào, Phó GĐ Sở TT&TT cho biết: tăng cường an ninh – an toàn bảo mật cho toàn bộ hệ thống CNTT là một trong 5 mục tiêu về CNTT để xây dựng mô hình thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 được nêu tại Nghị quyết số 44/NQ-HĐND18 ngày 12/4/2017 của HĐND tỉnh Bắc Ninh.

Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc ban hành các cơ chế chính sách về CNTT, tỉnh Bắc Ninh tập trung quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng CNTT: Hệ thống mạng WAN nội tỉnh kết nối tới 159 cơ quan, ban, ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã; các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đều được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và hầu hết cấp xã đã kết nội mạng LAN.

Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho các cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Đặc biệt quan trọng là việc Bắc Ninh đang xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu theo tiêu chuẩn Tier III của quốc tế. Trung tâm không chỉ đáp ứng cho kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh mà còn đáp ứng cho mô hình thành phố thông minh sau này.

Ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước ngày càng được đẩy mạnh đã có tác động tích cực, từng bước làm thay đổi thói quen và lề lối làm việc cũ, chuyển dần sang phương thức làm việc mới, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch với sự hỗ trợ của mạng Internet, thư điện tử, các hệ thống thông tin quản lý. Toàn tỉnh hiện có 8.633 cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản thư điện tử.

Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa Văn phòng Chính phủ tới cấp xã được kết nối liên thông; tích hợp phần mềm Một cửa điện tử vào Dịch vụ công trực tuyến; tích hợp SMS vào Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; phát triển hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân.

Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh đi vào hoạt động, cung cấp 1.792 dịch vụ công, trong đó 335 dịch vụ công mức 3,4… đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Về triển khai chứng thư số cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đến nay Sở TT&TT cấp 434 chứng thư số, trong đó có 360 chứng thư số cho các cơ quan, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã… Các cơ quan, đơn vị sử dụng hiệu quả chứng thư số trong các văn bản điện tử trao đổi trên môi trường mạng, sử dụng trong các giao dịch thuế điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử.

Năm 2018, tỉnh Bắc Ninh tập trung nguồn lực cùng với việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu, tỉnh sẽ xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh; hệ thống camera giám sát, hệ thống hội nghị truyền hình toàn tỉnh; tăng cường các ứng dụng CNTT; Triển khai trên 500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên 900 dịch vụ, chiếm khoảng 50% trong tổng số gần 1800 dịch vụ công toàn tỉnh; chứng thư số sẽ được cấp đến các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% các xã có Trang Thông tin điện tử thành phần… Vì vậy, để hệ thống CNTT hoạt động ổn định, công tác đảm bảo an toàn ANTT được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm.

Tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT trong các hoạt động diễn tập, ứng cứu sự cố ATTT, giám sát đánh giá an ninh mạng; cảnh báo an toàn thông tin; thỏa thuận phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống ứng dụng CNTT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020 nhằm huy động các nguồn lực tham gia tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo mật, xác thực, giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin đối với hệ thống CNTT của toàn tỉnh. Qua đó, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Một trong những nội dung quan trọng góp phần bảo đảm an toàn ANTT mạng là công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách về an toàn ANTT.

Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh bố trí được cán bộ chuyên trách về CNTT. Trong đó, 18/20 sở, ban, ngành có 1 cán bộ chuyên trách, 8/8 UBND các huyện, thị xã, thành phố có 2 cán bộ chuyên trách về CNTT.

Sở TT&TT thường xuyên tổ chức tập huấn về CNTT, đặc biệt là lĩnh vực an toàn mạng, chứng thư số, chữ ký số cho các cán bộ chuyên trách về CNTT của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Qua đó cán bộ chuyên trách nắm vững những quy định của pháp luật trong lĩnh vực CNTT; Thông tin tổng quan về chứng thư số và hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng; nâng cao kỹ năng quản trị, vận hành hệ thống CNTT, đảm bảo an toàn ANTT. Từ đó góp phần ứng dụng hệ thống CNTT tại cơ quan, đơn vị mình.

Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ; Cục An toàn an ninh thông tin, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT và một số doanh nghiệp lớn có uy tín về lĩnh vực an toàn ANTT khảo sát hệ thống an toàn ANTT trên toàn tỉnh; tổ chức hội thảo an toàn ANTT nhằm đánh giá thực trạng và tìm ra giải pháp tối ưu trong lĩnh vực an toàn ANTT trong xây dựng Chính quyền điện tử và thành phố thông minh; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực đảm bảo an toàn ANTT, ứng phó sự cố an ninh mạng cho các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Mở các lớp đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ chuyên trách về CNTT; triển khai chữ ký số tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, ưu tiên triển khai chữ ký số cho văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước để trao đổi an toàn trên môi trường mạng.