Theo đó, cầu Kênh Vàng vượt sông Thái Bình, điểm đầu tại Km0+00 giao với QL 17 tại Km27+600 thuộc địa phận huyện Gia Bình, điểm cuối tại Km13+400 giao với QL 37 tại Km77+400 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.
Phần cầu Kênh Vàng có chiều dài 740 m, được thiết kế quy mô vĩnh cửu, thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực. Phần đường dẫn lên cầu có chiều dài gần 13 km, mặt cắt ngang nền đường rộng 17m.
Tổng kinh phí xây cầu trên 1.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng trên 1.235 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng trên 300 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác trên 99 tỷ đồng và gần 72 tỷ đồng chi phí dự phòng. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.
Để thực hiện dự án, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 900 tỷ đồng. Vốn ngân sách tỉnh Hải Dương trong kế hoạch đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hải Dương dự kiến 180 tỷ đồng. Phần còn lại khoảng 627 tỷ đồng là vốn ngân sách tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, Chủ đầu tư là Ban Quản lý xây dựng dự án giao thông Bắc Ninh đã lựa chọn nhà thầu, tiến hành khảo sát, cắm cọc giải phóng mặt bằng, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán cho dự án.
Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đã được đơn vị tư vấn thực hiện lập, thẩm tra và chủ đầu tư đang trình Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông Vận tải thẩm định theo quy định. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đang phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan để tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án.
Tỉnh Bắc Ninh giao Sở Giao thông vận tải làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục. Dự án dự kiến được khởi công xây dựng vào cuối năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng khẳng định dự án cầu Kênh Vàng đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh, bảo đảm giao thông thông suốt, giảm thời gian đi lại của người dân.
Cầu Kênh Vàng cùng với những dự án hạ tầng giao thông như: đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô (đoạn qua địa phận Bắc Ninh) tổng mức đầu tư hơn 5.580 tỷ đồng; cầu Chì dự kiến đầu tư hơn 1.892 tỷ đồng; các tuyến đường tỉnh 277B, 285B, 295C kết nối với QL3 mới, cầu Hà Bắc 2 với tổng mức đầu tư hơn 2.024 tỷ đồng; dự án mở rộng cầu Hồ với tổng mức đầu tư dự kiến gần 600 tỷ đồng… sẽ tạo ra sức bật lớn cho kinh tế của Bắc Ninh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các khu vực lân cận trong giai đoạn 2021-2025.
Thu Hoài