Cái nắng bỏng rát của tháng Sáu khiến tâm dịch Bắc Ninh chúng tôi “nóng” hơn bao giờ hết. Truyền thông đã nói rất nhiều về những vất vả, hi sinh của các y bác sĩ, các cán bộ tham gia chống dịch Covid-19 những ngày qua.

Nhưng chỉ khi trực tiếp góp một chút công sức rất nhỏ vào cuộc chiến này, chúng tôi mới cảm nhận được rõ ràng nhất những giọt mồ hôi mặn chát như thế nào. Chúng tôi biết rằng ngay cả khi đang sống trong tâm dịch nhưng chúng tôi vẫn được an toàn, bình yên bên gia đình là một sự may mắn tới nhường nào.

Là một giáo viên ở Bắc Ninh, khi ngành y tế kêu gọi sự trợ giúp của ngành giáo dục, chúng tôi lập tức xung phong. Công việc cụ thể của chúng tôi là nhập thông tin của những người dân đến lấy mẫu xét nghiệm. Đây là công việc không quá khó khăn nhưng cũng đòi hỏi tình nguyện viên phải dũng cảm, có tinh thần lạc quan và ý thức phòng dịch cao khi làm việc.

Mặc dù đã nhận được sự hướng dẫn về công việc nhập liệu và các biện pháp an toàn khi làm việc, tôi vẫn không tránh khỏi những lo lắng và hồi hộp.  

{keywords}
Các nhân viên y tế đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ở phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh.

Các buổi lấy mẫu thường được tiến hành vào buổi chiều hoặc tối để tránh bớt cái nắng hè oi bức. Mỗi khi nhận được thông báo có tên mình trong danh sách nhập liệu, chúng tôi lại vội vã chuẩn bị lên đường.

Chứng kiến tận mắt đội quân tuyến đầu làm việc, tôi vô cùng nể phục. Giữa cái nắng gắt 39-40 độ C, khoác thêm bộ đồ bảo hộ cấp độ 4, các bác sĩ mồ hôi như tắm, mặt đỏ gay gắt nhưng họ vẫn kiên trì và thoăn thoắt với công việc của mình, không một phút ngơi nghỉ. Chính vì thế mà tôi đã chứng kiến có người sốc nhiệt ngất ngay tại chỗ.

Những tình nguyện viên hỗ trợ nhập liệu chúng tôi cũng bị cuốn đi bởi không khí làm việc hối hả ấy và quên ngay những khó khăn mình đang đối mặt. Đó là lần đầu tiên chúng tôi mặc bộ bảo hộ dưới cái nóng mùa hè trong nhiều giờ đồng hồ mà không được phép cởi ra. Lần đầu tiên, chúng tôi phải đeo 2 găng tay mà vẫn phải đánh máy thật nhanh, thật đúng. Mồ hôi ai nấy vã ra như tắm, không được làm mát bởi điều hòa hay gió quạt. 

Chúng tôi làm việc trong tiếng người nói, tiếng loa gọi vô cùng ồn ào, tiếng la khóc của trẻ em khi được lấy mẫu. Cũng có thể tất cả những khó khăn ấy là bình thường và mọi người có thể vượt qua được nếu không phải lo lắng về việc mình đang ngồi giữa cái không gian đầy nguy cơ nhiễm phải virus. Áp lực tâm lý mình có thể lây Covid-19 tiềm ẩn từ hàng nghìn người đang lần lượt xếp hàng ngoài kia không phải là thứ vô hình.

Nhưng bỏ qua hết những áp lực, tất cả đều tập trung làm việc với một quyết tâm hoàn thành nhanh nhất phần việc của mình. Người đánh máy thì sử dụng hết các mẹo của Excel để đánh càng nhanh càng tốt, sao cho kịp người lấy mẫu. Người đọc phải căng mắt dịch những kiểu chữ giun dế hay những cái tên dân tộc không thể đánh vần.

Dù ngồi với nhau cả 3-4 tiếng đồng hồ, chúng tôi chẳng có một khoảng dừng nào để trao đổi hay tán ngẫu dăm ba câu chuyện bên lề bởi chậm vài giây thôi là cả đoàn người đang đợi ngoài kia chậm lại, nguy cơ lây nhiễm càng cao và khiến cả nhóm phải dừng lại đợi mình.

Chúng tôi trở về nhà khi đã 10h tối, thậm chí có hôm đến 1-2h sáng hôm sau. Một mình trên những con phố lặng ngắt như tờ với chằng chịt các chốt chặn, lòng tôi quặn thắt và thương quê hương đến cháy lòng. Thế là động lực, quyết tâm đồng hành cùng các y bác sĩ lại làm chúng tôi hăm hở cho những ngày tiếp theo. 

Công việc căng thẳng và áp lực như thế nhưng khi được hỏi có cần nghỉ để thay người khác không thì chẳng ai đồng ý bởi đã chứng kiến phía y tế làm việc ròng rã hàng tháng trời, chúng tôi thấu hiểu hơn ai hết sự vất vả của họ.

{keywords}
Những chai nước giải khát được nhóm trao tặng cho các bệnh viện, chốt trực...  

Bên cạnh việc đóng góp chút sức mọn của mình, chúng tôi - những người con của Bắc Ninh cũng cùng nhau kêu gọi cộng đồng đóng góp vật lực để gửi tới những nơi cần. Bạn bè, người thân, những cô cậu học trò cũ của chúng tôi ngay lập tức tin tưởng, gửi gắm chúng tôi những món tiền lớn nhỏ để những món quà thiết thực tới tay các y bác sĩ, các cán bộ trực chiến, những người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì Covid-19.

Trong những lần đi tặng hàng trăm thùng chanh muối cho các chốt trực dọc đường đi, chúng tôi cảm động vô cùng khi nhận lời cám ơn rất thật: "May quá đang khát". Có chốt chưa kịp chụp ảnh đã vội bóc thùng, lấy nước uống.

Có hôm nhiệt độ ngoài trời 40 độ C, nhiệt độ mặt đường 48 độ C. Chúng tôi ngồi trong xe có điều hòa mà vẫn nóng ngột ngạt. Vậy mà các lực lượng đứng ở các chốt trạm phơi mình mấy tiếng một ca. Nghĩ thôi đã cay mắt.

Chúng tôi cũng quyết định sử dụng số tiền kêu gọi được để trao tặng 250 suất quà cho các khu công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Cách ly kéo dài, họ thiếu thốn đủ bề. Tiền tích lũy thường được để dành gửi về cho gia đình, họ chỉ dám sống tằn tiện và ở trọ trong những xóm trọ quanh khu công nghiệp. Rất nhiều nhóm thiện nguyện đến chia sẻ nhưng số lượng công nhân cách ly quá lớn.

Nghe các đồng chí lãnh đạo khu chia sẻ về nỗi khó khăn của các công nhân nơi đây, chúng tôi thấy lòng hạnh phúc vì mình đã đến đúng nơi cần hỗ trợ. 

Tôi còn nhớ hoàn cảnh của cụ bà Nguyễn Thị Xoa, 90 tuổi, không chồng con, sống một mình trong căn nhà cấp 4. Nhìn cả nhà cụ chẳng biết nói gì. Thấy nhóm tôi đến trao quà, cụ ngạc nhiên đến bối rối. Cụ cứ lẩm bẩm: “Cho nhiều thế, sao cho nhiều thế?”.

{keywords}
Nhóm "Viết tiếp ước mơ cho em" đang chuẩn bị 250 suất quà trao tặng người lao động ở Bắc Ninh. 

Một cụ bà khác một mình nuôi 2 đứa cháu bị bố mẹ ly hôn, bỏ lại. Bà thấy chúng tôi liền kể nỗi khổ của mình, rất thương.

Rồi hoàn cảnh của cháu Nga, sinh năm 1991, là mẹ đơn thân, có con bị tăng động. Vì không có tiền chữa bệnh cho con nên thời điểm vàng đã qua, thằng bé giờ chẳng thể có ước mơ để mà viết tiếp. Anh trai Nga bị bệnh thần kinh phải nhốt trong một góc, khóa trái tấm gỗ gọi là cửa.

Bố mẹ Nga mất cả rồi. Ba thân phận sống nương nhờ nhà chú dì cũng khó khăn không kém, thương đến đắng lòng. Tôi hứa với Nga sẽ còn quay lại giúp đỡ gia đình cháu. Tôi tin tôi sẽ làm được. 

Chúng tôi từng đi trao những chuyến quà trị giá hàng trăm triệu, nhưng đến chuyến tặng quà này mới thấy vừa tặng quà nước mắt vừa rơi.

Chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì có thể  góp một phần nhỏ bé của mình vào trận chiến này. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi có thể lan tỏa trách nhiệm cộng đồng của mình với tất cả mọi người và xã hội. Với sự chiến đấu không ngừng nghỉ của các lực lượng tuyến đầu, F0 của thành phố đã giảm đi rất nhiều, những chốt chặn đang dần tháo dỡ.

Bắc Ninh sẽ sớm bình an trở lại để mọi người lại được bước thênh thang trên những con đường hay góc phố thân yêu, để lại hồn nhiên nói cười trong mọi hoàn cảnh như cậu bác sĩ trẻ trước giờ lấy mẫu vẫn vui vẻ “live-stream” như chưa hề thấy con Covid xung quanh.

Độc giả Thu Hằng - Hoài Thương (Bắc Ninh)

CÙNG VIETNAMNET CHUNG TAY ỦNG HỘ QUỸ VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG COVID-19. MỌI ĐÓNG GÓP XIN GHI RÕ ỦNG HỘ MS 2021.VACXINCOVID
1. Chuyển khoản tới tài khoản Vietcombank:
  • - Tài khoản số 0011002643148 , Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
  • - Bank account: 0011002643148 , Bank for foreign trade of Vietnam - Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam - SWIFT code: BFTVVNVX.
2. Chuyển khoản tới tài khoản Vietinbank
  • - Tài khoản Vietinbank: số 114000161718 , Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Đống Đa.
  • - Bank account Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch, Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, Swift code: ICBVVNVX126
3. Trực tiếp ủng hộ tại báo VietNamNet:
  • - Toà soạn Báo VietNamNet: Tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 092 345 7788
  • - Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam: số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. Điện thoại: 096 223 7788
Người Lâm Đồng gửi 200 tấn rau củ tươi ngon hỗ trợ TP.HCM

Người Lâm Đồng gửi 200 tấn rau củ tươi ngon hỗ trợ TP.HCM

Tham gia chương trình “Chuyến xe yêu thương”, người dân tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 và các khu cách ly tại tỉnh Bình Dương, TP.HCM hơn 200 tấn thực phẩm.