Chỉ số hấp dẫn đầu tư tích cực

6 tháng đầu năm 2019, Bắc Ninh thu ngân sách Nhà nước ước đạt 15.188 tỷ đồng, đạt 55% dự toán năm, tăng 5% so cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 cả nước, trong 6 tháng đầu năm thu hút mới và điều chỉnh tăng hơn 1 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trong nước đạt trên 5.510 tỷ đồng, thành lập mới 1.086 doanh nghiệp với vốn đăng ký 12.040 tỷ đồng.

Lũy kế đến hết tháng 6/2019, Bắc Ninh thu hút được hơn 1.000 dự án FDI đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đạt gần 17 tỷ USD (đứng thứ sáu cả nước về thu hút FDI).

{keywords}
 

Những con số trên cho thấy bức tranh “sáng” về tiềm năng thu hút đầu tư của Bắc Ninh. Trên thực tế, tỉnh này hiện không chỉ còn là “thủ phủ FDI” mà còn là điểm đến hấp dẫn nhiều “ông lớn” đầu tư trong nước.

Sức hấp dẫn đầu tư của Bắc Ninh đầu tiên phải kể đến là vị trí địa chính trị, kinh tế thuận lợi. Đây là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, chỉ cách trung tâm thủ đô khoảng 30km, là đầu mối quan trọng giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, nằm trên hành lang kinh tế Việt - Trung và trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với vị trí này, Bắc Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển về nhiều mặt từ du lịch đến công nghiệp...

Bắc Ninh còn có thế mạnh về hệ thống giao thông đồng bộ và thông suốt với nhiều trục giao thông lớn chạy qua bao gồm: QL1A, QL 1B mới, QL 18, QL38, đường cao tốc đi sân bay Quốc tế Nội Bài, đường đi đến cảng nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh, tuyến đường sắt xuyên Việt đi Trung Quốc,... giúp Bắc Ninh dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và thương mại phía Bắc.

Yếu tố tiếp theo là môi trường đầu tư thông thoáng với nhiều chính sách hấp dẫn nhà đầu tư của Bắc Ninh. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ DN thông qua kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng các mô hình công nghệ chất lượng cao; đền bù giải phóng mặt bằng (giao đất sạch) cho các DN đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn,... Bắc Ninh cũng là địa phương tích cực thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc khi có phản ánh.

Bắc Ninh đồng thời tạo điều kiện liên kết, hợp tác đào tạo nghề với các trường, trung tâm dạy nghề và ưu tiên tuyển lao động đã qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn.

Thêm một yếu tố không kém phần quan trọng là Bắc Ninh hiện là tỉnh đang áp dụng và triển khai rộng rãi mô hình trung tâm hành chính công, hỗ trợ đắc lực giảm tải các thủ tục xin cấp phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp...

Không ngừng cải thiện để tiếp tục là “thỏi nam châm” hút đầu tư

Cuối tháng 6/2019 UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo “Bắc Ninh: Cải thiện môi trường kinh doanh - Động lực mới trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp”.

Thông tin tại hội thảo cho thấy Bắc Ninh đã thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo động lực cho phát triển, gia tăng quy mô về thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiến tạo xu hướng phát triển mới về kinh tế đô thị.

Tuy nhiên, tại hội thảo, Bắc Ninh nhìn nhận thực tế phải lưu ý hơn đến những kỳ vọng của DN khi đầu tư vào tỉnh như: giảm gánh nặng chi phí không chính thức; tiếp cận đất đai cần thuận lợi hơn; đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch thông tin; chú trọng cải thiện hơn nữa chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chủ động nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực kinh doanh.

{keywords}
 

Để tiếp tục là “thỏi nam châm” hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện chỉ số thành phần, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2019, tạo tiền đề phấn đấu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đặc biệt lưu ý tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.

Bên cạnh đó, các đơn vị nâng cao chất lượng, quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; hiện đại hóa công cụ quản lý, điều hành theo kiến trúc tổng thể về chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, nâng cao năng lực cán bộ, thu hút các nguồn lực đầu tư; tích cực giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp sau đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo giải quyết những vướng mắc triệt để, thực hiện văn hóa công sở trong ứng xử với doanh nghiệp và nhân dân.

D. An