Ảnh: Thanh Hải

Bắc Ninh đưa Internet về thôn

Mô hình điểm BĐ-NVH đã đáp ứng được phần nào nhu cầu liên lạc, truy cập thông tin qua mạng và đọc sách, báo của người dân.

Sau 3 năm triển khai, tỉnh Bắc Ninh đã thiết lập được 180 điểm bưu điện-nhà văn hoá (BĐ-NVH) thôn, đưa Internet và các dịch vụ BCVT đến gần với dân hơn...

Từ tháng 2/2004, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu thí điểm mô hình BĐ-NVH thôn tại hai huyện Thuận Thành và Gia Bình. Theo bà Đỗ Thị Thuỷ, Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Ninh, ý tưởng thành lập điểm BĐ-NVH tại các thôn là để thu hẹp khoảng cách phục vụ các dịch vụ BCVT và công nghệ thông tin (CNTT), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương trong việc liên lạc, tìm kiếm thông tin trên mạng để phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu khác.

Khác với điểm bưu điện văn hoá xã, BĐ-NVH thôn của Bắc Ninh kết hợp được sự tham gia của nhiều đối tượng từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành tại địa phương. Các điểm BĐ-NVH thôn phần lớn được đặt tại nhà văn hoá thôn, với diện tích trung bình trên dưới 10 mét vuông mỗi điểm. Ở những nơi nhà văn hoá thôn không nằm ở vị trí thuận tiện, nhiều địa phương cũng tạo điều kiện để điểm bưu điện này được đặt ở vị trí trung tâm của thôn.

Ngoài việc hỗ trợ địa điểm, tỉnh Bắc Ninh còn cấp mỗi điểm một máy tính có kết nối Internet và hỗ trợ thù lao 100 ngàn đồng mỗi tháng cho người làm việc tại điểm bưu điện này. Các sở ngành khác tại địa phương như các Sở Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Tư pháp, Giáo dục Đào tạo, và một số tờ báo của tỉnh hỗ trợ tài liệu, sách, báo cho người dân đọc miễn phí tại điểm bưu điện. Việc triển khai mô hình này cũng có thuận lợi nữa là hầu hết các thôn trong tỉnh đều có nhà văn hoá do tỉnh có quy định các làng văn hoá phải có nhà văn hoá thôn.

Chính vì vậy, từ 22 điểm BĐ-NVH thôn vào năm 2004 đến nay Bắc Ninh đã có tới 180 điểm, trong đó có gần 150 điểm được trang bị máy tính có kết nối Internet. Các điểm bưu điện này đang cung cấp 3 dịch vụ chính là đọc sách, báo miễn phí; truy cập Internet và các dịch vụ BCVT (tem, thư và đàm thoại). Theo đánh giá của Bưu điện tỉnh Bắc Ninh, sau 3 năm đi vào hoạt động, mô hình điểm BĐ-NVH đã đáp ứng được phần nào nhu cầu liên lạc, truy cập thông tin qua mạng và đọc sách, báo của người dân tại những nơi có điểm bưu điện. Nhiều điểm BĐ-NVH thôn còn hiệu quả hơn cả những điểm BĐVH xã do được đặt ở vị trí thuận lợi, gần dân hơn. Thống kê của Bưu điện tỉnh ước tính mỗi điểm có từ 70-130 lượt người đến đọc mỗi ngày.

Tuy nhiên, do tốc độ đường truyền kết nối gián tiếp qua điện thoại chậm và mỗi điểm chỉ có một máy tính nên chưa thu hút được nhiều người sử dụng dịch vụ Internet. Đối tượng sử dụng Internet tại các điểm bưu điện này chủ yếu là thanh thiếu niên, người sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp rất hãn hữu. Theo chị Đỗ Thị Thư, nhân viên phụ trách điểm BĐ-VHT thôn Kim Thao, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài "cả thôn Kim Thao có khoảng 3 người thỉnh thoảng truy cập Internet để lấy thông tin khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp".

Ở một xã khác của huyện Lương Tài, "thậm chí không có ai vào Internet tìm hiểu thông tin phục vụ việc sản xuất nông nghiệp", chị Phạm Thị Mười, nhân viên điểm bưu điện xã Trung Chính nói vậy khi được hỏi về việc người dân nông thôn sử dụng Internet như thế nào. Theo chi Mười, đối tượng sử dụng Internet tại điểm bưu điện này chủ yếu là thanh thiếu niên với mục đích chat là chính, vì chơi game ở đây không được do kết nối chậm.

Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình điểm BĐ-NVH, bà Nguyễn Thị Xuyên, Giám đốc Bưu điện huyện Lương Tài (Bắc Ninh) nói, Bắc Ninh đang gặp phải một số thách thức. Theo bà Xuyên, ngày càng nhiều người dân lắp máy thuê bao điện thoại tại nhà nên doanh thu từ đàm thoại tại các BĐ-NVH có chiều hướng giảm. Doanh thu từ dịch vụ Internet cũng rất lẹt đẹt, ở mức trên dưới 200 ngàn đồng/tháng vì mỗi điểm chỉ có một máy tính. Vì vậy, để tăng doanh thu từ dịch vụ Internet, bưu điện cũng bật đèn xanh cho phép các điểm BĐ-NVH tự "linh hoạt" đưa thêm máy tính vào phục vụ người dân. Ở những điểm bưu điện được đưa thêm máy tính, doanh thu riêng từ dịch vụ Internet có thể lên tới 600-700 ngàn đồng mỗi tháng.

Gần đây, khi di động phát triển thì ngoài các nguồn thu từ các dịch vụ BCVT cơ bản như Internet, điện thoại cố định và tem thư, các điểm BĐ-NVH cũng có nguồn thu đáng kể nữa là từ bán thẻ điện thoại di động trả trước. "Mỗi tháng tôi bán được khoảng 2 triệu đồng tiền thẻ di động trả trước", chị Đỗ Thị Thư nói. Nhưng doanh thu trung bình hàng tháng của các điểm BĐ-NVH vẫn ở mức thấp từ 1,4-1,7 triệu đồng. Thu nhập của người làm tại điểm BĐ-NVH như ở thôn Kim Thao cũng chỉ khoảng 600-700 ngàn đồng/tháng. Theo bà Xuyên, hoạt động của điểm BĐ-NVH thôn sẽ chỉ thuận lợi với những nơi dân số trên 1000 khẩu và điều kiện kinh tế phát triển khá sôi động.

Để mô hình này thực sự trở thành trung tâm thông tin của thôn, bà Xuyên cho rằng địa phương nên tận dụng cả việc phát thanh của địa phương tại điểm bưu điện này để tăng thêm nguồn thu cho người làm. Xa hơn có thể biến điểm bưu điện này trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ CNTT tại địa phương, từ dịch vụ công trực tuyến đến đào tạo, đặt tour du lịch nội tỉnh qua mạng. Nhưng để đưa các dịch vụ CNTT đến với người dân nông thôn, điều kiện quan trọng là phải có đường truyền Internet tốc độ cao.

Minh Tiến