Đây là hội nghị đối thoại doanh nghiệp FDI lớn nhất từ trước đến nay, được tổ chức kết nối theo hình thức trực tuyến tại 18 điểm cầu.

Và được kết nối đến 8 điểm cầu cấp huyện, thị xã, thành phố và 8 điểm cầu tại Văn phòng nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan cho biết, doanh nghiệp FDI và tỉnh Bắc Ninh luôn đồng hành hợp tác chặt chẽ. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt thứ 4 là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân. Đối với doanh nghiệp FDI, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua nhiều biện pháp sáng tạo để hạn chế tối đa dịch xâm nhập vào nhà máy, tiêu biểu là việc tổ chức cho công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy. Qua đó, vừa tạo nên thành công của doanh nghiệp, vừa có sức lan tỏa mạnh mẽ với những chuyển biến mang tính động lực kiến tạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh Bắc Ninh.

“Bắc Ninh sẽ tiếp tục duy trì việc tập trung đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như một hoạt động thường kỳ - thể hiện cam kết và trách nhiệm của tỉnh trong suốt quá trình phát triển với mục tiêu tăng cường trao đổi, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan khẳng định.

{keywords}
Sáng 17/7, Tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị đối thoại với gần 200 doanh nghiệp FDI với chủ đề “Bắc Ninh – Nơi hội tụ các thương hiệu lớn”.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã giải đáp trực tiếp các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về các vấn đề: Cấp phép lao động và nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19; hạ tầng khu công nghiệp và sửa chữa, nâng cấp tuyến đường giao thông; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; việc thực hiện quy định phòng, chống dịch và kế hoạch tiêm vắc xin; việc truy vết, khoanh vùng xét nghiệm, cách ly, điều trị, hỗ trợ tiếp tục duy trì sản xuất khi có ca bệnh Covid-19 trong nhà máy; cơ chế cho vay để trả lương ngừng việc do dịch Covid-19...

Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh đã ra mắt Tổ phản ứng nhanh “3 nhất” hỗ trợ doanh nghiệp (Tư vấn hiệu quả nhất; Giải quyết nhanh nhất; Chống dịch an toàn nhất) do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn làm Tổ trưởng. Điều này càng khẳng định quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp FDI “vững tâm cùng tỉnh vượt khó”, phục hồi sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, rà soát các nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, trên tinh thần quyết liệt, triệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có văn bản trả lời kiến nghị đến từng doanh nghiệp, đảm bảo 100% ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp được phản hồi, giải quyết hợp lý. Đối với những kiến nghị vượt cấp, UBND tỉnh sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

“Các Sở, ngành, địa phương cần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo sự đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, đến các cấp huyện, xã trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Phải xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc. Trường hợp cơ quan trả kết quả chậm, Thủ trưởng cơ quan phải có thư xin lỗi tới người dân và doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Sơn Đình