Vùng đất an cư

Nhờ tạo được cơ chế “thông thoáng” trên lĩnh vực đất đai, gắn với công tác quy hoạch đô thị phù hợp, vùng đất Bắc Ninh hôm nay trở nên hiện đại với các công trình bề thế, với cảnh quan “xanh-sạch-đẹp” nhờ hệ thống công viên, các dải cây xanh đan xen trên các khu phố.

Ấn tượng nhất là các công sở của tỉnh không rào bê tông, nằm ngay sau những hàng cây cối tốt tươi; một diện mạo thân thiện với khách.

Sau 23 năm tái lập tỉnh (kể từ năm 1996), xứ sở Quan họ từ kinh tế thuần nông đã “bứt phá” trên mọi lĩnh vực, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH-HĐH, hướng đến mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

{keywords}
Một góc thành phố Bắc Ninh (Ảnh: Thành ủy Bắc Ninh)

Một trong những thành công nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của Bắc Ninh là thực hiện hiệu quả phương châm sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên đất đai, làm tiền đề cho phát triển bền vững.

Theo đó, những năm qua, Bắc Ninh đã bám sát chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quản lý, quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020.

Nhờ tạo được cơ chế “thông thoáng” trên lĩnh vực đất đai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nên tỉnh đã và đang thu hút được ngày càng nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

"Thủ phủ FDI tại miền Bắc"

Năm 2019, nhiều cơ hội mở ra sau khi nhiều hiệp định hợp tác quan trọng được ký kết như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Theo đó, Bắc Ninh tiếp tục xây dựng và phát triển một số Khu công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, qua đó xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, thực hiện chuyển giao công nghệ nhằm phát huy tác động lan tỏa từ khu vực FDI.

Theo UBND tỉnh, tính đến năm 2019, Bắc Ninh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 18 tỷ USD từ 35 quốc gia, với 1.360 dự án FDI. Trong đó, Nhật Bản có 92 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD, đứng thứ 3 về quy mô vốn đầu tư (chỉ sau Hàn Quốc và Singapore).

{keywords}
Bắc Ninh là địa phương top đầu cả nước về thu hút vốn FDI. (Ảnh: Thành ủy Bắc Ninh).

Bắc Ninh hiện có 16 Khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 6.397,68 ha; có 11 Khu công nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định thành lập (gồm 14 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp) có tổng diện tích quy hoạch 4.523,60 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê 3.156,17 ha.

Trong đó, 10 Khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích đất quy hoạch 3.696,94 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê 2.609,40 ha, đã cho thuê 1.670,40 ha, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 64,01%, trên diện tích đất thu hồi đạt 88,52%, vốn đầu tư hạ tầng đăng ký khoảng 775,30 triệu USD. 

Minh chứng sống động là các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định được thương hiệu, thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là khu vực kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách của Bắc Ninh, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh xuất siêu từ năm 2009.

Sự phát triển các Khu công nghiệp không chỉ giải quyết việc làm, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp phát trienr, mà còn đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, việc hình thành các khu đô thị mới, cùng các công trình hạ tầng xã hội đã đưa mạng lưới đô thị của tỉnh ngày càng mở rộng và phát triển.

Bắc Ninh sở hữu hệ thống hạ tầng, giao thông thuận lợi với nhiều trục giao thông lớn chạy qua bao gồm quốc lộ 1A, quốc lộ 1B mới, quốc lộ 18, quốc lộ 38, đường cao tốc đi sân bay quốc tế Nội Bài, đường đi đến cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh), tuyến đường sắt xuyên Việt đi Trung Quốc.
Điều kiện trên khiến doanh nghiệp tại Bắc Ninh dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và thương mại phía Bắc như Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh.

Q.Hiếu