Bắc Ninh được biết đến là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp được triển khai, trong đó có 12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với 1.900 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Tổng số công nhân trong khu công nghiệp trên 300.000 lao động.
Mỗi ngày, tỉnh phát sinh khoảng 1.100 tấn rác thải sinh hoạt, chưa kể hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp và lượng rác thải, tăng khoảng 7-10% mỗi năm, trong đó Thành phố Bắc Ninh khoảng 240 tấn/ngày đêm, thị xã Quế Võ khoảng 140 tấn/ngày đêm, thị xã Thuận Thành khoảng 120 tấn/ngày đêm, huyện Gia Bình khoảng 60 tấn/ngày đêm, thành phố Từ Sơn khoảng 200 tấn/ngày đêm, huyện Tiên Du khoảng 150 tấn/ngày đêm, huyện Yên Phong khoảng 180 tấn/ngày đêm, huyện Lương Tài khoảng 60 tấn/ngày đêm….
Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do các đơn vị dịch vụ thực hiện. Ngoài ra, tại một số xã khu vực nông thôn, UBND xã thành lập các tổ, đội thu gom là các tổ chức, đoàn thể của xóm hoặc người dân thực hiện. Đến nay, 100% các địa phương thành lập được các tổ, đội thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết. Toàn tỉnh hiện có 11 đơn vị thực hiện việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với tổng số hơn 30 xe chuyên dụng, cơ bản các xe được gắn thiết bị GPS để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu gom.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 3 khu xử lý tập trung, 9 lò đốt chất thải sinh hoạt công suất nhỏ và trung bình. Đối với Khu xử lý chất thải tại xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ) được thực hiện bởi Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 300 tấn/ngày, đêm, đang xử lý cho thành phố Bắc Ninh và thị xã Quế Võ; Khu xử lý chất thải tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) công suất 275 tấn/ngày đêm đang xử lý cho toàn bộ địa bàn thị xã Thuận Thành; Khu xử lý chất thải tại xã Cao Đức (Gia Bình) do Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang vận hành xử lý cho huyện Gia Bình, công suất 70 tấn/ngày đêm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 9 lò đốt rác trung bình và nhỏ thuộc địa bàn thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du và Yên Phong.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, năng lực hiện tại của các khu xử lý đang bị quá tải, không thể xử lý hết được lượng chất thải phát sinh hàng ngày. Chính vì vậy, các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng chính là bài toán tối ưu cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay của tỉnh.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025, trong đó xử lý toàn diện, tổng thể các vấn đề về môi trường: nước thải, khí thải và rác thải. Riêng về rác thải, tỉnh xác định giải pháp căn cơ, bài bản nhất là đầu tư các nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Mới đây nhất, ngày 1/11, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức vận hành Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp phát điện. Nhà máy có công suất xử lý rác 800 tấn/ngày, công suất lò đốt 180 tấn/ngày (xử lý 100 tấn rác thải sinh hoạt và 80 tấn rác thải công nghiệp), công suất phát điện 6.1MW, theo công nghệ lò đốt rác tận thu nhiệt của Hàn Quốc.
Đây là Nhà máy đốt rác phát điện tư nhân tiên phong tại Việt Nam, là thành quả của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Ngôi Sao Xanh với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chosun Refractories ENG và Tập đoàn SK Ecoplant (Hàn Quốc) trong lĩnh vực phát triển công nghệ đốt rác phát điện, đặc biệt là các giải pháp trí tuệ nhân tạo trong đốt chất thải.
Hiện, toàn tỉnh có 4 nhà máy đốt rác phát điện với tổng công suất từ 1.300-1.500 tấn/ngày. Dự kiến, đến Quý II/2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Với việc xây dựng và thực hiện phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả các lò đốt rác, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu cơ bản xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày.