Chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, Bắc Ninh đã sớm tiếp cận chủ trương của Chính phủ. BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 52 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đến nay, hạ tầng viễn thông, CNTT, trung tâm dữ liệu thành phố thông minh có các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Từ trung tâm này, giai đoạn 1 đã kết nối với 300 camera trong TP. Bắc Ninh, dự kiến sớm kết nối toàn bộ camera toàn tỉnh; có 30 trạm quan trắc khí và nước; 328.135 điểm trên bản đồ GIS; 30 hệ thống phần mềm và ứng dụng trên Mobile…
Các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng với 177 điểm kết nối; Hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp trên địa bàn toàn tỉnh được triển khai với 160 điểm kết nối; Mạng 4G được phủ sóng rộng khắp, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 110%, 100% thôn, khu phố được cáp quang hóa, an toàn thông tin được bảo đảm.
Hiện hệ thống thông tin một cửa tích hợp dịch vụ công trực tuyến tại Bắc Ninh cung cấp 1.348 trong số 1.731 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Hệ thống văn bản điện tử được trao đổi thông qua hệ thống liên thông ba cấp đạt trên 90%; từ cấp tỉnh đến cấp xã và các cơ quan khối Đảng, đoàn thể có tích hợp chữ ký số; hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Bắc Ninh đã cấp được khoảng hơn 11.000 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị.
Xây dựng công dân số làm nền tảng chuyển đổi số bền vững
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn từng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, do đó phải xây dựng lớp công dân số mới nhằm đảm bảo hiệu quả của chuyển đổi số mang tính bền vững lâu dài, toàn diện và đồng bộ”. Theo lãnh đạo tỉnh, quá trình chuyển đổi số phải diễn ra toàn diện, đồng bộ từ cấp tỉnh, đến cấp xã; phải đo lường được quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian qua, địa phương triển khai tích cực việc thực hiện Đề án 06/CP phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số; 100% UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập mô hình “Dịch vụ công trực tuyến”, bảo đảm tất cả người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ.
Bắc Ninh cũng đã sớm xây dựng triển khai phần mềm phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Với gần 4.000 kiến nghị, tỷ lệ xử lý đạt gần 90%, ứng dụng đã và đang trở thành một kênh thông tin tương tác quan trọng giữa chính quyền và người dân, góp phần tích cực cải thiện mức độ hài lòng của người dân cũng như nâng cao thứ hạng các bộ chỉ số đánh giá về tỉnh.
Đặc biệt, để kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp huyện, 100% thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập 733 Tổ công nghệ số cộng đồng với 3.252 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.
Tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Nhờ những bước đi cụ thể, các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chuyển đổi số đã giúp tỉnh tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Những năm qua, Bắc Ninh đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, tỉnh ghi nhận các chỉ số điều hành, quản trị địa phương luôn trong top đầu cả nước.
Năm 2022, Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỉ trọng Kinh tế số trên GRDP là 56,83%. Tỉnh thu hút được 2,22 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đứng thứ 4 toàn quốc. Cũng trong năm này, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh đạt 69,08 điểm, đứng vị trí thứ 7 cả nước. Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2022 (chỉ số DTI), tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 7; trong đó xếp thứ 10 về chính quyền số; xếp thứ 5 về kinh tế số; xếp thứ 7 về xã hội số.
Chia sẻ về lộ trình chuyển đổi số giai đoạn tiếp theo, bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, Bắc Ninh định hướng đến năm 2025, phát triển kinh tế số chiếm trên 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 10%. Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, tỉnh hướng đến hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, 90% hộ gia đình. Cùng với đó, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; đưa tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%. Bắc Ninh cũng phấn đấu đạt chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
"Với các nhiệm vụ đề ra, cùng với kết quả mà tỉnh đạt được thời gian qua, Bắc Ninh tin tưởng tiếp tục đạt nhiều thành quả trong chuyển đối số, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia", bà Tuyết kỳ vọng.
N.M