Thời gian qua, phong trào “Bắc Ninh chung sức xây dựng Nông thôn mới” đã trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh và thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cùng với sự hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân đã chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh Bắc Ninh có 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, trong đó, 06 huyện (Tiên Du, Gia Bình, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành, Yên Phong) và thành phố Từ Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I. Có 12 xã đạt đủ 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao: Xã Nhân Thắng, Đại Lai (Gia Bình), An Thịnh (Lương Tài), Song Hồ, Đình Tổ, Xuân Lâm, Trí Quả (Thuận Thành), Phượng Mao, Mộ Đạo (Quế Võ), Tam Giang (Yên Phong), Tân Chi, Phật Tích (Tiên Du).
Hơn 10 năm qua “Bắc Ninh chung sức xây dựng Nông thôn mới”, diện mạo nông thôn đã được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp; các công trình hạ tầng cơ sở được tập trung đầu tư, nâng cấp, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn.
Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ liên kết từ các tuyến đường giao thông nông thôn đến đường tỉnh lộ, đường quốc lộ và liên kết với các tỉnh lân cận cũng như khu vực. Đến nay, 100% các tuyến đường đến UBND các xã được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; 100% các tuyến đường liên thôn, đường trục thôn được đầu tư xây dựng kiên cố hoá đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn từ loại A trở lên, đảm bảo giao thông thông suốt từ huyện đến các xã, thôn; 100% đường trục chính nội đồng, đường ngõ, xóm được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm và không lầy lội vào mùa mưa. Qua đó, đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, phát triển sản xuất, giao thương của người dân trong tỉnh, đưa kinh tế của các địa phương từng bước phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đảm bảo tưới, tiêu chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang quản lý, khai thác hiệu quả 584 trạm bơm cục bộ (322 trạm bơm chuyên tưới, 45 trạm bơm chuyên tiêu và 217 trạm bơm tưới tiêu kết hợp); 4.562 tuyến kênh mương cấp 3 và nội đồng với tổng chiều dài 3.192km (3.225 tuyến kênh tưới với chiều dài là 1.959km, 1.337 tuyến kênh tiêu với chiều dài là 1.233km), trong đó đã kiên cố hóa được 1.686km kênh mương cấp 3 và nội đồng (bằng 52,82% tổng chiều dài các tuyến), số còn lại là kênh đất thường xuyên được tu sửa, nạo vét khơi thông dòng chảy,…
Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, xã ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 618 thôn, khu phố đã có nhà văn hóa; 489 thôn, khu phố đã có khu thể thao… Hệ thống nhà văn hóa, khu thể thao tại các xã, thôn được trang bị đầy đủ các thiết chế văn hóa, qua đó giúp hình thành và duy trì hoạt động đều đặn hàng ngàn câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thể thao (bơi, bóng bàn, bóng chuyền hơi,…), thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và tạo thành phong trào văn nghệ, thể thao rộng khắp, vừa nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của người dân.
Chất lượng giáo dục toàn diện luôn được giữ vững, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả khá ở tất cả các cấp. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở các cấp học ở mức độ cao nhất (hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học ở mức độ 3; phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; xóa mù chữ mức độ 2); 100% đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn là 70,86%, cao nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ; 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo từ năm 2016; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học luôn đạt trên 90%. Đặc biệt, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, tỉnh Bắc Ninh có tỉ lệ học sinh giỏi đạt giải đứng thứ nhất toàn quốc, với 10 giải Nhất, 20 giải Nhì, 26 giải Ba… Kết quả này giúp Bắc Ninh luôn đứng trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào giáo dục.
Mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại. Giai đoạn 2011-2019, tỉnh đã nâng cấp 110 trạm y tế tại các xã, phường, thị trấn. Đến hết năm 2018, 100% các trạm y tế được kiên cố hóa; 100% các trạm y tế đủ khả năng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng được nâng lên; năm 2011, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chung toàn tỉnh là 57,5%; đến 30/6/2019, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt 91,3%. Hết năm 2021, tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 93,53% dân số.
Chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, trong đó nổi bật nhất là việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống (múa rối nước Đồng Ngư; các câu lạc bộ hát quan họ; lễ hội chùa Phật Tích, Đền Đô, hội Lim,…); bảo tồn và phát huy tốt các giá trị cảnh quan ở nông thôn. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng, Khu phố văn hóa” được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện. Thông qua các phong trào, giúp người dân nâng cao ý tự giác chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, tỷ lệ hộ gia đình, làng, khu phố được công nhận văn hóa luôn được nâng lên. Năm 2021, có 92,7% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 92,2% thôn, khu phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”.
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai mạnh mẽ và đạt được kết quả cao. Đến 30/6/2019, tỷ lệ dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,52% (trong đó, 67,49% hộ được sử dụng nước sạch, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 58%, trung bình cả nước khoảng 49%); tỷ lệ người nghèo nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,6%. Tỷ lệ trường học và trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%.
Chất lượng các dịch vụ hành chính công được nâng cao. Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; triển khai áp dụng thực hiện một cửa liên thông hiện đại tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đây là bước đột phá về công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính, thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh và các địa phương. Đến nay, chất lượng các dịch vụ công của tỉnh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân, làm tăng hiệu quả làm việc trong quá trình hoạt động, giảm phiền hà, chi phí, công sức cho nhân dân và được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
An ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực nông thôn có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, trong đó có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần làm giảm tội phạm ở cơ sở, tiêu biểu như: Mô hình “Dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; câu lạc bộ “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”; câu lạc bộ “Thanh niên tình nguyện phòng, chống tội phạm trên tuyến giao thông”, tổ “Liên gia an toàn”….
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn (giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch tập trung…), nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình đảm bảo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó: Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi ở các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao; khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại các địa phương; Hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao hoàn thiện, bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Tỉnh Bắc Ninh quán triệt quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh với cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững; trong đó trọng tâm là tập trung khai thác các thế mạnh về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp nghỉ dưỡng, đẩy mạnh chức năng môi trường, tập trung vào du lịch nông thôn, bảo tồn văn hóa và cảnh quan truyền thống… Đồng thời chuyển giao một số chức năng của đô thị cho nông thôn để chủ động đô thị hóa nông thôn hài hòa.
Yến Hưng